2 cựu tướng công an ‘đỡ đầu’ game đánh bạc

Trong số 92 bị can của vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ đồng, VKSND tỉnh Phú Thọ nhận định ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng) đã tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam hoạt động.

Ông Phan Văn Vĩnh (bìa trái) đã “chống lưng” cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ đồng. Ảnh: TP

Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định việc sống còn của game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.

“Chống lưng” cho tội phạm

Cáo trạng xác định khi đương chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh đã lợi dụng việc Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc Cục C50, ký ban hành quyết định công nhận Công ty CNC là công ty bình phong trái quy trình.

Với chức vụ là thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Vĩnh là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc. Tuy nhiên, khi nhận được báo cáo đề xuất của Nguyễn Văn Dương về việc “thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử CNC”, nghĩa là công khai việc kết nối, phục vụ cho game đánh bạc nhưng ông Vĩnh đã bút phê đồng ý. Việc cho phép này hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Đặc biệt, Tổng cục Cảnh sát đã cho Công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) để vận hành hệ thống đánh bạc. Trong trụ sở của Công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu “Bộ Công an - C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng”. Điều này ngăn cản các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh. Thực tế PC50 Hà Nội đã phải ngưng việc xác minh khi thấy trụ sở Công ty CNC có phòng làm việc của cục trưởng C50.

Khi phát hiện Công ty CNC vận hành hai game bài có dấu hiệu đánh bạc trá hình, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành. Phải đến khi có văn bản lần thứ hai và sau 50 ngày, bị can này mới chỉ đạo C50 tham mưu lập báo cáo. Tuy nhiên, báo cáo lại không đúng sự thật, cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc mà còn yêu cầu cấp dưới ký văn bản đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép vận hành cho game bài nói trên.

Ngăn cản cấp dưới vào cuộc xác minh

Về phía mình, ông Hóa đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho ông Phan Văn Vĩnh về việc thành lập công ty bình phong CNC trái với quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Đồng thời, ông Hóa còn đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh, xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.

Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, cựu cục trưởng C50 không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.

Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi bị nhắc, ông chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an.

Tại cơ quan công an, ông Hóa khai là cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo “nguồn thu từ hoạt động thí điểm để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm” nhưng thực tế hơn hai năm không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ (chi 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD) cho C50.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm