Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa sau hai lần trực tiếp đến kiểm tra đều cho rằng nguyên nhân nước từ trên núi ở khu vực dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú đổ xuống khu dân cư là do… nước mưa tràn qua mương thoát nước. Đến khi báo chí viện dẫn quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án có hạng mục hồ bơi, lãnh đạo Sở Xây dựng mới thừa nhận khu vực đào múc đất thuộc vị trí quy hoạch xây dựng hồ bơi! Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư-Phát triển Thanh Châu thẳng thắn thừa nhận là họ đang làm hồ bơi vô cực, nước dồn xuống làm bức hồ, đổ xuống khu dân cư.
Trước sự bất nhất này, dư luận cần sớm có câu trả lời: Tai họa mà người dân gánh chịu là do thiên tai hay nhân tai? Bởi dân tại đây khẳng định: Nền đá khu vực trên rất ổn định, hàng chục năm nay chưa xảy ra sạt lở, người dân sống bình thường hàng chục năm qua. Ngay cả mưa rất lớn như năm 2016 cũng không xảy ra sạt lở.
Cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này và đang là chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa Nguyễn Văn Lộc cũng khẳng định là khu vực sạt lở gây họa có nền đất ổn định cả triệu năm. Chỉ đến khi con người đến đào bới tạo hồ, tạo cảnh… mới xảy ra thảm họa.
Vì vậy, người dân cần các cơ quan chức năng sớm xác định, trả lời rõ ai đã gây tai họa trên, ai phải chịu trách nhiệm về cái chết oan uổng của bốn người gia đình thầy giáo Phong. Bởi sau khi quả “bom nước” cướp đi sinh mạng bốn người trong một gia đình, thông qua chính quyền địa phương, Công ty Thanh Châu trao 100 triệu đồng cho gia đình thầy Phong, 35 triệu đồng cho mỗi hộ có nhà bị sập nhưng đây là “hỗ trợ nhân đạo” chứ không phải bồi thường.
Chưa hết, chủ đầu tư khẳng định là họ có quyền xây dựng hồ bơi vô cực theo phê duyệt quy hoạch của tỉnh có từ năm 2011 mà không phải xin phép. Thế nhưng đến năm 2014 thì quy định về xây dựng có thay đổi, yêu cầu với hạng mục có quy mô như cái hồ mà công ty đang xây dựng phải xin phép cơ quan chức năng. Vậy việc này sẽ xử lý thế nào?
Giả sử rằng chủ đầu tư không có lỗi trong việc “tự ý đào hồ” nhưng hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do việc đào bới gây ra, họ có thoát trách nhiệm với hậu quả đã xảy ra hay không? Nếu không thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Dư luận, người dân, chủ đầu tư và cả các cơ quan liên quan rất cần câu trả lời rõ ràng cho khúc mắc này.
Và chỉ có khởi tố điều tra mới làm rõ được những vấn đề trên. Căn cứ quan trọng nhất để khởi tố vụ án là vụ việc đã gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng. Từ đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Thế nhưng vì sao đến nay cơ quan công an vẫn chưa khởi tố vụ án?
Các câu hỏi trên không nhằm truy trách nhiệm cho ai mà nó là điều cần thiết để ngăn ngừa chuyện vô tư đào bới, tàn phá môi trường bằng các dự án đang diễn ra khắp nơi. Hậu quả là người dân gánh chịu bằng sinh mạng, tài sản của mình nhưng không ai chịu thấy mối quan hệ biện chứng giữa sự tàn phá với hậu quả mỗi năm mỗi thảm khốc hơn…