3 cuộc đời được hồi sinh từ những lá phổi ghép

(PLO)- 3 cuộc đời đã hồi sinh sau khi được ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương mang đến hy vọng cho nhiều bệnh nhân khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 23-9, Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) tổ chức buổi gặp mặt 3 bệnh nhân được ghép phổi thành công tại đây.

3 lá phổi được ghép, 3 cuộc đời hồi sinh

Sau 4 năm thành lập, Trung tâm Ghép phổi - Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi. Trong đó, người bệnh NXT (58 tuổi) được ghép phổi vào năm 2020 là ca bệnh có thời gian sống sau ghép phổi lâu nhất tại Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bệnh nhân T cho biết ngày 16-9 vừa qua là kỷ niệm tròn 4 năm được ghép phổi. “Tôi được các y bác sĩ bệnh viện chăm sóc như người thân trong gia đình. Khi đến đây, tôi như được trở về ngôi nhà thứ hai của mình” - bệnh nhân T nói.

bệnh viện phổi trung ương 3.jpg
Đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cùng 3 bệnh nhân được ghép phổi thành công tại buổi gặp mặt. Ảnh: BVCC

Không những thế, sau khi đã ra viện, cứ mỗi khi đến lịch khám định kỳ, bệnh nhân T thường được bác sĩ Lê Ngọc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, gọi điện giục đến khám. Hay mỗi lần trái gió trở trời, bị ốm đau, bệnh nhân cũng đều nhờ các y bác sĩ của bệnh viện tư vấn, điều trị bệnh.

Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân T ổn định, có thể làm mọi việc trong nhà và tự chăm sóc bản thân. Mỗi ngày, ông đều đi bộ 2 lần, mỗi lần đo đồng hồ đếm bước chân được 3.000 bước.

“Tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc con trai xây dựng gia đình, thấy được gia đình mình hạnh phúc, hòa thuận. Tôi rất mong nhiều người được cứu sống như tôi” - ông T chia sẻ.

Cũng được hồi sinh từ 2 lá phổi ghép, nữ bệnh nhân PAT (21 tuổi), từng mắc bệnh phổi hiếm gặp giai đoạn cuối, giờ đã là sinh viên năm hai, khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên. Đây là bệnh nhân được ghép phổi vào đúng đêm 30 tết Giáp Thìn 2024.

Cô sinh viên cho biết đã tăng 7 kg kể từ sau ca phẫu thuật, giờ đây có thể tự làm được tất cả mọi việc từ chăm sóc cho bản thân đến việc học hành và tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa ở trường.

Những bệnh nhân và nhân viên y tế hội ngộ sau thành công của các ca ghép phổi. Ảnh: BVCC

Những bệnh nhân và nhân viên y tế hội ngộ sau thành công của các ca ghép phổi. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân còn lại được ghép phổi trong năm 2024 này là bà TTH. Theo các bác sĩ, đây là ca ghép phổi được đánh giá là phức tạp, khó khăn hơn do người bệnh mắc nhiều bệnh nền nặng. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật.

Đồng thời, quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu của bệnh nhân này diễn tiến phức tạp, cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa.

Hiện tình trạng sức khoẻ của người bệnh đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.

Chồng của bệnh nhân H cho biết suốt mấy tháng bị cách ly sau ca ghép phổi, việc chăm sóc cho vợ ông đều nhờ các y bác sĩ của bệnh viện. Ông cảm thấy vô cùng biết ơn và cảm phục các bác sĩ đã làm việc không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng tấm lòng.

Kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng

Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cả 3 ca ghép phổi được thực hiện tại bệnh viện đều được thực hiện với tiêu chuẩn về chẩn đoán, điều trị, kỹ thuật, chăm sóc nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Đặc biệt, 2 ca ghép được thực hiện trong năm 2024 đều có sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Ghép phổi UCSF (Trường Đại học California, San Francisco), cùng sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu Việt Nam.

bệnh viện phổi trung ương.jpg
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: BVCC

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, chuyên khoa.

Toàn bộ quy trình chuẩn bị phổi người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép cần sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiện đại và sự chăm sóc toàn diện của nhiều chuyên ngành y học.

“Những ca ghép phổi thành công trên là dấu mốc lớn, ghi nhận tiến bộ vượt bậc, góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Với những thành công này, chương trình ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới, chương trình này sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được" - ông Lượng nói.

Trong tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương đặt mục tiêu xây dựng, phát triển trung tâm ghép phổi vùng, trở thành địa chỉ tiếp nhận, quản lý và triển khai kỹ thuật ghép phổi cho người bệnh Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng bao gồm thận, tim, gan, phổi, tụy, khí quản... Trong đó, chỉ ghép được 11 ca phổi trên toàn quốc.

Lý giải nguyên nhân khiến số lượng các ca ghép phổi lại ít như vậy, bên lề một hội thảo hồi tháng 8-2024, PGS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết kỹ thuật ghép phổi là kỹ thuật rất khó, chi phí cao. Cùng với đó, phổi là tạng cần được lấy từ người hiến chết, không như thận - có thể được ghép từ người hiến sống.

Tại Việt Nam, từng có một ca ghép phổi với phổi từ người hiến sống. Tuy nhiên, đó là trường hợp mà cần đến hai người hiến sống (mỗi người hiến một phần phổi của mình), thì mới đủ để ghép cho một người bệnh.

"Người sống hiến phổi rất khó, phức tạp và nguy hiểm. Trên thế giới hầu như cũng rất ít khi lấy phổi từ người hiến sống để hiến cho người bệnh, mà đều lấy từ người chết não/chết tim để ghép cho bệnh nhân", ông Hệ cho hay.

Trong khi đó, tỉ lệ hiến tạng từ người chết não, chết tim ở Việt Nam còn thấp, nguồn hiến phổi do vậy cũng rất thấp.

Nguyên nhân thứ hai là nếu như một người chết não có thể hiến được hai thận, gan và tim, thì đối với phổi, chỉ có thể hiến được khoảng hơn 20% phổi, bởi việc hồi sức và bảo quản đối với phổi cũng khác, có những khó khăn riêng.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều bệnh phổi mãn tính, nhưng vì chi phí lớn nên người bệnh cũng không tìm hiểu, không có nhu cầu ghép, ngay cả nhân viên y tế đôi khi cũng dành ít sự quan tâm đến vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm