3 mục tiêu TP.HCM cần đạt được trong 5 năm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

(PLO)- Để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM cần phát triển kinh tế có chiều sâu, ưu tiên sản xuất công nghệ cao, nâng chất đội ngũ cán bộ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm 2022, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã chỉ ra chiến lược phát triển cho TP.HCM. Tháng 6-2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được ban hành đã cụ thể hoá hơn kỳ vọng của Trung ương vào sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM.

Để thực hiện Nghị quyết 98 cũng như hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt ra, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng chính quyền TP cần tập trung vào ba mục tiêu quan trọng trong năm năm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Đó là là phát triển kinh tế có chiều sâu, ưu tiên sản xuất công nghệ cao, nâng chất đội ngũ cán bộ...

3 mục tiêu TP.HCM cần đạt được trong 5 năm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 1

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THANH THUỲ

Xây dựng TP đa trung tâm

Ông Phạm Chánh Trực cho rằng TP.HCM cần đầu tư phát triển kinh tế theo chiều sâu, tổ chức không gian đô thị theo yêu cầu xây dựng TP đa trung tâm kết hợp chỉnh trang đô thị.

Để xây dựng TP đa trung tâm, TP cần tổ chức lại không gian đô thị, xây dựng các đô thị vệ tinh, để người dân có đời sống ổn định, có việc làm, nhà ở, các dịch vụ cơ bản, để người dân được chăm lo sức khoẻ, giáo dục đào tạo tại chỗ… Đó là khung vật chất của cộng đồng, xã hội, làm nền tảng cho TP.HCM phát triển ổn định theo chiều sâu và lâu dài.

Chính quyền TP cũng cần ưu tiên đầu tư sản xuất công nghệ cao, đầu tư nước ngoài.

Bây giờ, TP.HCM đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, là lực lượng chủ yếu, nòng cốt của nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khi sản xuất một sản phẩm mới sẽ kéo theo chuỗi cung ứng đầu vào và chuỗi dịch vụ phân phối lưu thông đầu ra. Những hoạt động đa dạng xung quanh chuỗi sản xuất đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội, làm tăng trưởng GRDP nhanh, lành mạnh, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế.

Vì vậy, TP.HCM cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp hiện đại, công nghiệp công nghệ cao. Từ đó, thương mại dịch vụ phát triển theo, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển lên theo tỉ trọng tương ứng.

TP.HCM phải tiếp tục là trung tâm công nghiệp lớn nhất của đất nước, trung tâm công nghiệp của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TP đã xác định những ngành, lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên. Do đó, các viện, trường, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã có định hướng nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh.

Với Nghị quyết 98, TP cần ưu tiên hai sản phẩm chiến lược của hai ngành công nghiệp quan trọng. Thứ nhất, thiết kế, chế tạo chip-vi mạch bán dẫn. Đây là công nghệ nền tảng, không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại, kinh tế số, kinh tế tri thức. Để xúc tiến dự án lớn, Nhà nước cần khởi tạo, có đơn đặt hàng để mở thị trường, từ đó các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác, phát triển.

Thứ hai, ngành công nghiệp cơ khí điện tử phục vụ nông nghiệp cần được đầu tư, khôi phục và hiện đại hoá bằng chính sách khuyến khích cao.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Đây cũng là đầu tư chiều sâu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường sức mạnh cho đầu tàu kinh tế cả nước. Trong đó đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Cũng theo ông Trực, TP.HCM cùng các tỉnh Nam bộ đã có điều kiện cần thiết để mở ra mũi đột phá là tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm vận tải hành khách, hàng hoá liên vùng… Đồng thời tạo điều kiện phân bổ lại lực lượng sản xuất toàn vùng bằng mô hình chủ động đô thị hoá TOD, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL, làm giảm áp lực di dân cơ học lên TP.HCM, giảm ùn tắc, giảm quá tải hạ tầng đô thị…

Theo ông Phạm Chánh Trực, TP.HCM cần ưu tiên hai sản phẩm chiến lược của hai ngành công nghiệp quan trọng là thiết kế chip- vi mạch bán dẫn và công nghiệp cơ khí điện tử. Ảnh: PLO
Theo ông Phạm Chánh Trực, TP.HCM cần ưu tiên hai sản phẩm chiến lược của hai ngành công nghiệp quan trọng là thiết kế chip- vi mạch bán dẫn và công nghiệp cơ khí điện tử. Ảnh: PLO

Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng

TP.HCM cũng cần đầu tư cho con người, có chính sách tiền lương, tiền thưởng, đầu tư cho lực lượng lao động để nâng cao năng suất lao động xã hội. Bởi nhà khoa học, chuyên gia đầu đàn, kỹ sư… là lực lượng nòng cốt, quyết định sự tăng trưởng năng lực nội sinh của khoa học-công nghệ. Vì thế, cần tranh thủ tối đa các cơ chế Nghị quyết 98 trao để có chính sách đãi ngộ xứng đáng, gồm cả quy định cho phép TP tự chịu trách nhiệm.

Mục tiêu và nhiệm vụ tiếp theo, TP phải đảm bảo mục tiêu nhà ở cho người dân. Thực tiễn 50 năm qua đã chứng minh không thể cân bằng cung-cầu về nhà ở, tức là không thể giải quyết nhà ở cho người dân bằng cơ chế thị trường.

Với chủ trương, kế hoạch như hiện nay thì công nhân, người lao động không bao giờ tích lũy đủ tiền từ lương để mua nhà. Do đó, cần quy hoạch, phân loại đất để đất cho dân xây dựng nhà ở khác biệt với đất kinh doanh, tạo điều kiện để mỗi hộ gia đình có nhà ở, có lộ trình thực hiện cụ thể.

TP.HCM có thể tính đến phương án như nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở cho dân thuê, mua hoặc giao đất cho dân để thành lập hợp tác xã nhà ở, có tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để vay ngân hàng… Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội với những điều kiện hợp lý do nhà nước, doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng cần tính toán dành quỹ đất cho nhà ở công nhân…

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần đào tạo cán bộ có kỹ năng, tay nghề thích hợp, đáp ứng được sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Chính quyền các cấp của một đô thị lớn như TP cần thường xuyên, liên tục, đào tạo bổ sung, nâng cấp đội ngũ lao động để đào tạo được một đội ngũ bền vững trên thị trường hội nhập.

TP.HCM cũng cần chuyển sang nền kinh tế xanh, xã hội xanh, giao thông xanh. Một mặt chủ động đầu tư giao thông công cộng, mặt khác ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi với cá nhân, hộ gia đình… thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sang năng lượng sạch… TP.HCM có thể khởi động kế hoạch tổng thể chuyển sang giao thông xanh, đẩy nhanh tuyến Metro, khuyến khích xe điện…

Cần hiện đại hoá thương mại-dịch vụ ngang tầm thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế vùng và hội nhập kinh tế thế giới; thí điểm tổ chức giao dịch nông phẩm sạch, nông phẩm hữu cơ và thúc đẩy nông nghiệp xanh.

Cuối cùng, nguyên Chủ tịch HĐND TP cho rằng con người là yếu tố quyết định sự thành công của các chính sách. Ông đơn cử câu chuyện, năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam dài hơn 1.400 km, hoàn thành trong hai năm... Đó là bài học quý báu cho cơ chế đặc thù mà TP.HCM cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm