3 năm đi đòi tiền đóng bảo hiểm xã hội

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Đình Bắc (ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) trình bày, năm 1974 ông lần lượt làm việc tại một số đơn vị thuộc sở hữu nhà nước và tham gia BHXH liên tục. Đến tháng 2-2005, ông nghỉ hưu trước tuổi vì bị mất sức lao động. Sau khi nghỉ, ông lại tiếp tục đi làm và cơ quan mới vẫn đóng BHXH cho ông.

Đã nhận lương hưu nhưng vẫn đóng BHXH bắt buộc

Sau khi nghỉ việc, ông Bắc làm thủ tục nhận chế độ lương hưu theo đúng quy định. Đến tháng 11-2008, ông lại xin vào làm kế toán tại Công ty TNHH Giải pháp CN tích hợp Vịnh Nam (viết tắt là công ty) có trụ sở tại quận 3, TP.HCM. Trong quá trình làm việc tại đây, công ty vẫn trích lương hằng tháng của ông để đóng cho BHXH quận 3. Tháng 3-2015, công ty gặp khó khăn nên hầu hết nhân viên phải nghỉ việc, trong đó có ông Bắc.

“Sau khi nghỉ việc tại công ty, tôi có liên hệ BHXH quận 3 để nhận chế độ BHXH. Tuy nhiên, cơ quan này yêu cầu tôi liên hệ công ty để được giải quyết. Công ty sau đó đã gửi công văn đến BHXH quận 3 trình bày lại quá trình tham gia bảo hiểm của tôi và yêu cầu cơ quan bảo hiểm thực hiện thoái thu. Công ty khẳng định trong suốt quá trình hoạt động luôn chấp hành đóng và quyết toán đầy đủ với cơ quan BHXH.

Riêng trường hợp của tôi do tôi đã hưởng chế độ hưu trí hằng tháng nhưng công ty không biết nên đã lập thủ tục đăng ký tham gia BHXH bắt buộc không đúng theo quy định. Cũng tại công văn trên, công ty yêu cầu BHXH quận 3 trả lại toàn bộ số tiền mà công ty và tôi đã đóng cho tôi. BHXH quận 3 cũng có làm việc với tôi nhưng cơ quan này chưa đồng ý hoàn trả số tiền trên” - ông Bắc trình bày.

Ông Đỗ Đình Bắc đến báo Pháp Luật TP.HCM nhờ hỗ trợ. Ảnh: VÕ HÀ

Đang xem xét để đưa ra hướng xử lý

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Phát, Giám đốc BHXH quận 3, cho biết hiện đơn vị đang tiếp nhận đơn của ông Bắc. Ban đầu cơ quan bảo hiểm làm theo nguyên tắc cấn trừ, tức là công ty đã đóng BHXH cho cơ quan BHXH nhưng nếu người lao động (NLĐ) không thuộc đối tượng đóng thì cơ quan sẽ trừ lại cho công ty, công ty có trách nhiệm thanh toán lại cho NLĐ. Tuy nhiên, theo thông tin thì công ty đã ngưng hoạt động. Trước mắt, cơ quan BHXH sẽ xác minh công ty trên thực tế còn hoạt động không. Khi có kết quả, đơn vị sẽ xin ý kiến BHXH cấp trên để có hướng xử lý đối với khoản đóng thừa này như thế nào.

“Sở dĩ việc giải quyết cho trường hợp của ông Bắc kéo dài đến nay là vì trước đây theo văn bản cũ, những trường hợp thoái thu phải thông qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay văn bản mới có thể giải quyết trực tiếp cho NLĐ. Ngoài ra, việc xác minh doanh nghiệp còn hoạt động không cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian giải quyết” - ông Phát lý giải.

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách BHXH Việt Nam, quy định là NLĐ đã nhận chế độ lương hưu rồi thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nếu vẫn tham gia là trái quy định của pháp luật. Nếu thu trái quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH sẽ xem xét để thoái thu theo quy định. Về nguyên tắc thu không đúng bắt buộc phải thoái thu, tức là trả lại tiền đã thu trước đó.

Theo tin mới nhận, chiều 20-4, đại diện BHXH quận 3 đã có buổi làm việc với ông Bắc. Tại đây, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến và nhận hồ sơ để giải quyết cho ông. Theo đại diện BHXH quận 3, kết quả giải quyết trường hợp của ông Bắc sẽ có vào ngày 2-5 tới.

“Tôi rất vui vì sau ba năm chờ đợi, cuối cùng cơ quan BHXH cũng đã tiếp nhận hồ sơ, rất mong cơ quan sẽ giải quyết theo đúng quy định để quyền lợi của người dân được đảm bảo” - ông Bắc phấn khởi nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm