3 trụ cột mấu chốt để phát triển Cần Giờ

(PLO)- Theo TS Trần Du Lịch, ba trụ cột đó là du lịch biển, kinh tế hàng hải và năng lượng tái tạo.

Sáng 16-8, UBND huyện Cần Giờ và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo Cần Giờ xanh - hướng tới đô thị sinh thái ven biển. Tại hội thảo, lãnh đạo TP.HCM đã đặt hàng các chuyên gia, đại biểu bàn cách vừa phát triển huyện Cần Giờ vừa đảm bảo theo hướng xanh, bền vững.

Cần sự góp ý thẳng thắn

“Xin khẳng định sự hiện diện của tôi là cam kết của lãnh đạo TP về xây dựng Cần Giờ xanh, bền vững. Tôi nghĩ chuyên gia và người dân cũng sẽ chia sẻ mục tiêu ấy” - ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Phan Văn Mãi, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà toàn vùng, toàn quốc gia. Cần Giờ là cửa ngõ phía đông rất quan trọng của TP, mặt tiền biển, nối ra biển, thế giới. Là đầu mối lớn về nhiều mặt, gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển, là hành lang quyết định về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (hàng trên, thứ hai từ phải qua) tham quan gian hàng đặc sản của Cần Giờ trước khi vào dự hội thảo. Ảnh: TP

Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng Cần Giờ có những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo, đặc biệt mà chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, phát huy và làm nền tảng tạo điều kiện cho phát triển xanh và bền vững.

“Chúng ta đang rà soát, làm quy hoạch chung TP.HCM, vì vậy tất cả định hướng, ý tưởng phát triển Cần Giờ phải được đánh giá, ưu tiên, đặt vào khung phát triển của các chiến lược quy hoạch trên này. Tôi mong các chuyên gia góp ý thẳng thắn, tiếng nói phải khoa học với mục tiêu giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa tự nhiên vì Cần Giờ xanh và phát triển” - ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP cho rằng Cần Giờ cần chọn lọc những việc phải hành động ngay, xác định kế hoạch cụ thể, đồng thời góp ý cơ chế, chính sách để phát triển Cần Giờ theo đúng mục tiêu mong muốn, đưa vào kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ.

Các tham luận của chuyên gia ở hội thảo đã tập trung vào việc Cần Giờ có thể phát triển năng lượng tái tạo, có những nghiên cứu phát triển huyện này theo nhiều mô hình khác nhau như du lịch sinh thái, cộng đồng, giảm thiểu rác thải nhựa… Các đại biểu cũng đề xuất mô hình về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Cần Giờ. Vì vậy, cần tổng hợp những dòng ý tưởng, quan điểm về định hướng Cần Giờ xanh, đặc biệt các cập nhật mới, bối cảnh mới như việc xây dựng cảng trung chuyển, đô thị lấn biển, công trình giao thông lớn ở Cần Giờ. Có những việc cần áp dụng liền như điện áp mái, thúc đẩy xe điện… vì Cần Giờ có nhiều điều kiện và nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Phát triển xanh và bền vững

Góp ý tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng phát triển Cần Giờ xanh và bền vững là mục tiêu rất đúng đắn nhưng thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu đó mới là điều cần quan tâm. “Trong quy hoạch nên chú ý trung tâm kinh tế biển thì có du lịch biển, kinh tế hàng hải (cảng, tàu), năng lượng tái tạo, đây là ba trụ cột mấu chốt phát triển Cần Giờ” - TS Trần Du Lịch nói.

Theo TS Trần Du Lịch, chúng ta cần nghiên cứu ngay một mô hình làng ở nông thôn theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), kết nối hệ thống giao thông. Cần Giờ cần đi đầu triết lý giao thông công cộng, giao thông xanh, hay quyết làm mô hình không có rác thải nhựa kể cả khi có khu du lịch lấn biển trong tương lai.

“Rồi câu chuyện kết nối cảng trung chuyển Cần Giờ với Cái Mép - Thị Vải như thế nào vì đây là cửa ngõ quốc gia, của vùng Đông Nam Á. Mặt khác, khi phát triển theo định hướng xanh thì không hấp dẫn nhà đầu tư, vậy ta có chính sách nào để thu hút, cần nghiên cứu ngay” - TS Trần Du Lịch nêu giải pháp.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, đánh giá việc phát triển giao thông xanh không tước đi cơ hội phát triển của Cần Giờ mà là giúp Cần Giờ phát triển hơn như làm điện gió, năng lượng tái tạo vì Cần Giờ có nhiều gió, nhiều nắng.

“Giao thông xanh đã phát triển nhiều trên thế giới, như TP Copenhagen, Hà Lan đưa ra năm trụ cột chiến lược phát triển giao thông xanh: Quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông xanh, xanh hóa các phương tiện giao thông, tối ưu mạng lưới đường - tách biệt giao thông nội vùng và giao thông liên vùng, các chính sách khuyến khích người dân, cải tiến công nghệ đi lại - di chuyển” - ông Tuấn phân tích.

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập mặn, thì đưa ra cảnh báo chất lượng rừng, sức khỏe rừng ở Cần Giờ giảm sút rất nhiều vì hiện nay mật độ rừng quá dày, không gian sinh trưởng cho cây không còn. Ngoài ra, hiện tượng sâu đang ăn mòn dần cây cũng cần được quan tâm.

“Nên xây dựng triết lý thế nào là đô thị, thế nào là TP Cần Giờ sinh thái. Cần Giờ nên là đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, là một TP ven biển mang đặc trưng của TP tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao kinh tế, chất lượng sống về tinh thần và vật chất của cộng đồng dân cư...” - ông Thành nói.•

Huyện Cần Giờ đã ghi nhận các định hướng về phát triển

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết sau khi nghe góp ý của các chuyên gia, chỉ đạo của Chủ tịch Phan Văn Mãi, huyện Cần Giờ đã ghi nhận các định hướng về phát triển. Cụ thể như quy hoạch không gian biển cần liên kết đô thị biển, đô thị lấn biển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng xanh, giao thông xanh, phát triển du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện.

Theo ông Hồng, huyện Cần Giờ định hướng phát triển theo định hướng quy hoạch phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế hàng hải, phát triển Cần Giờ theo hướng bền vững, phát triển xanh để trở thành đô thị xanh tiêu biểu của Việt Nam và thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới