Phương án nào phát triển du lịch đường thủy ở huyện Cần Giờ?

(PLO)- UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM đã đưa ra nhiều phương án nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch đường thủy trên địa bàn huyện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo UBND huyện Cần Giờ, hằng năm huyện đã tổ chức đón khoảng 50.000 lượt khách sử dụng dịch vụ du lịch đường thủy. Huyện có những sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Đơn cử như: Giải trí, tham quan ba khu vực bảo tồn động vật tại rừng ngập mặn Cần Giờ; Du ngoạn trên sông khám phá vẻ đẹp của rừng ngập mặn kết hợp tìm hiểu các mô hình nuôi trồng thủy sản trên sông hoặc ăn uống nhẹ trên thuyền gỗ.

Để phát triển giao thông thủy, gắn liền với các sản phẩm du lịch, huyện Cần Giờ đã xây dựng Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ, giai đoạn 2022 - 2023.

Huyện Cần Giờ chú trọng phát triển giao thông thủy, gắn với các sản phẩm du lịch. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Huyện Cần Giờ chú trọng phát triển giao thông thủy, gắn với các sản phẩm du lịch. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Trong đó, huyện chú trọng triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy; làm đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có trên địa bàn huyện; nghiên cứu khai thác và hình thành các chương trình du lịch đường thủy phong phú, hấp dẫn, phù hợp với lợi thế của huyện.

Huyện Cần Giờ cũng tăng cường kết nối với các địa phương lân cận nhằm mở rộng các tour du lịch đường thủy liên vùng. Đồng thời, cập nhật, đề xuất các vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ.

Sắp tới, huyện sẽ phối hợp với các sở ngành sớm khai thác tuyến vận tải hành khách hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành sớm đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách du lịch từ xã Tam Thôn Hiệp đi Thiềng Liềng và xã đảo Thạnh An và ngược lại.

Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ tiếp tục kêu gọi đầu tư, xã hội hóa hạ tầng bến bãi, phương tiện phục vụ phát triển du lịch đường sông; khai thác các vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Song song, phối hợp với Sở Du lịch và các sở ngành hướng dẫn tổ chức triển khai các sản phẩm du lịch đường thủy tại các vị trí neo đậu phương tiện, tạo sân chơi. Từ đó, kết nối các loại hình du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến huyện Cần Giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm