300 tấn đá núi ập xuống đầu du khách

Một công nhân đang chẻ đá tại hiện trường cho biết nhiều tảng đá tuột xuống, gom lại khoảng 300 tấn.

Khoảng 8 giờ 10 phút sáng 5-5, tại lưng chừng đường lên đỉnh núi Cấm (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm sáu người tử nạn. Hàng loạt khối đá khổng lồ nằm chót vót trên núi Cấm bỗng tuột từ độ cao khoảng 30 m xuống đường. Những khối đá này đè bẹp chiếc xe lữ hành của Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang đang chở khách xuống núi và một chiếc xe máy của người dân dựng ven đường. Tai nạn khiến hàng ngàn du khách đang đi chùa vào dịp rằm tháng 4 hoảng loạn. Toàn bộ giao thông lên núi bị tê liệt.

Những nạn nhân đều có quan hệ bà con

Vừa đến hiện trường, chúng tôi thấy đống đá hoang tàn, đổ nát. Chiếc xe lữ hành chở khách đã được cạy lấy ra từ một trong các khối đá. Thi thể năm nạn nhân chết tại chỗ còn đắp chiếu ở đó.

Theo nhiều người dân, vào thời gian trên, dưới chân núi Cấm (cách hiện trường 4 km) họ nghe nhiều tiếng nổ lớn. Nhìn lên núi thấy bụi đá bay ngập một vùng. Dân trong nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm cùng dân địa phương và các lực lượng công an, quân sự xã An Hảo; lực lượng bảo vệ của Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang kịp thời có mặt. Hàng trăm người đã dùng cây xeo những khối đá lớn, moi chiếc xe lữ hành biển số 67M-1065 ra ngoài. Trên xe có tám người, gồm bảy hành khách và tài xế. Khi lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân ra ngoài thì đã có năm người chết (trong đó có tài xế). Toàn bộ thi thể các nạn nhân bị biến dạng nặng. Chiếc xe bị biến dạng hoàn toàn. Ba hành khách trên xe còn lại bị thương rất nặng, sau đó một người đã chết tại bệnh viện.

300 tấn đá núi ập xuống đầu du khách ảnh 1

Chiếc xe lữ hành chở các nạn nhân không còn nhìn ra.

Ngồi cạnh xác những người thân của mình, không cầm được nước mắt anh Võ Hoài Châu kể: “Chúng tôi rủ nhau thuê xe đi viếng chùa. Đoàn có 13 người (cùng ngụ ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Tối 4-5, đoàn đi chùa đến núi Cấm ngủ qua đêm. Sáng 5-5, trong đoàn có bảy người thuê xe lữ hành lên núi viếng chùa. Sau khi lên núi thắp hương cúng Phật, xe quay xuống chân núi thì gặp nạn” - anh Châu bàng hoàng kể.

Anh Châu cho biết sau khi nghe nổ lớn, anh móc điện thoại liên lạc thì chẳng ai bắt máy. Lát sau, anh nghe tai nạn, chạy lên núi thì thấy cảnh tượng kinh hoàng này. “Anh Hai, em vợ, con bác xui, anh em cô cậu ruột của tui đều đã chết. Tuy họ bị đá đè làm nát người nhưng phần đầu của họ vẫn còn. Tui chết lặng cả người, chỉ biết đứng nhìn rồi khóc, điện thoại về báo cho gia đình hay tin”. Mẹ anh Châu đi cùng đoàn, lên gặp cảnh tượng hãi hùng này liền ngã lăn ra xỉu. Anh Châu cũng cho biết anh Hai của anh là Võ Hoài Phương chết để lại đứa con học lớp 11. Còn anh em cột chèo Nguyễn Văn Linh - mới cưới vợ năm ngày nay thì ra đi vĩnh viễn. Những người khác ai cũng nghèo và còn hai, ba đứa con nhỏ.

Anh Trương Hoàng Hiếu, nhà trên đỉnh núi Cấm, anh ruột tài xế xe lữ hành Trương Hoài Tâm, bàng hoàng kể Tâm được Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang nhận vào làm tài xế ba năm nay. “Gia đình định cưới vợ cho nó thì nó chết” - anh Hiếu rớm nước mắt.

Đến chiều tối, các nạn nhân đã được khám nghiệm tử thi và đưa về quê lo hậu sự. Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang đã điều đoàn xe chẻ đá để chia nhỏ các tảng đá nằm án ngữ con đường nhằm giải tỏa lưu thông. Đến 18 giờ cùng ngày, toàn bộ xác nạn nhân và chiếc xe lữ hành bảy chỗ cùng xe máy bị đè bẹp được chở đi khỏi hiện trường. Đường lên đỉnh núi Cấm vẫn ách tắc.

Tai nạn do thiên tai?

Ông Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang, có mặt tại hiện trường chia sẻ: “Vừa nhận được tin báo, chúng tôi tức tốc đánh xe từ Long Xuyên lên”. Ngay sau đó, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tập trung tất cả lực lượng đến giải phóng hiện trường và cương quyết không cho người đến gần nhằm tránh sự cố đáng tiếc khác xảy ra. “Đây là một tai nạn hi hữu và đầy bất ngờ, không ai có thể lường trước được. Nhờ giấc đó khách lên xuống núi còn thưa, chứ như quá trưa thì không biết hậu quả sẽ đến nhường nào” - ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, trước mắt công ty xuất hỗ trợ cho gia đình người chết 10 triệu đồng/trường hợp và kêu xe chở thi thể về lo mai táng; đồng thời hỗ trợ 5 triệu đồng/người bị thương. UBND huyện Tịnh Biên cũng chi hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi người bị thương.

300 tấn đá núi ập xuống đầu du khách ảnh 2

Sau tai nạn, đá còn ngổn ngang chắn đường lên đỉnh núi Cấm.

Nhìn lên vách đá cheo leo trơ ra nhiều khối đá khổng lồ như sắp rớt, nhiều người đến xem vụ tai nạn nói núi ở An Giang là dạng núi đá hoa cương, rất cứng. Nó không giống như nhiều ngọn núi ngoài miền Trung, miền Bắc có kết cấu bở, dễ sạt chày. Mấy ngày trước cũng chẳng có mưa lớn nhưng sự cố lại xảy ra. Đây rõ ràng là một tai nạn hi hữu. Nhưng nếu nhìn kỹ thì cũng có thể lường đoán được trước. Bởi con đường lên đỉnh núi Cấm được xây sát vách núi. Vách núi chạy dài hơn 6 km nhưng mái ta luy lồi lõm hết sức nguy hiểm. Mưa gió lâu ngày khiến chân các khối đá đeo bám vách núi bị bở nên tuột là điều có thể nhìn thấy - nhiều người nhận định.

Đá nhỏ thỉnh thoảng vẫn rơi

Ông Huỳnh Văn Hải, một người dân sinh sống trên đỉnh núi Cấm, cho biết tại nơi đá tuột có một mạch nước chảy như dòng suối nhỏ. Do vậy, đá sạt là chuyện có thể hiểu được. Mỗi ngày ông chạy xe hai, ba bận đưa rước khách lên xuống núi Cấm cũng cảm thấy sợ. “Lâu lâu thấy đá nhỏ bằng cùm chân, bắp vế rơi từ trên núi xuống đường cũng hơi ớn. Tuy nhiên, hầu hết là đá rơi vào ban đêm nên chưa có tai nạn. Lần này thì… nguy hiểm quá” - ông Hải tâm sự.

Ông Hưng cho biết đây là sự cố thiên tai. Nếu có đổ xi măng trám vách núi ven con đường lên đỉnh núi Cấm thì cũng chỉ đảm bảo độ cứng cho những tảng đá mặt ngoài. Còn những tảng đá lớn lâu ngày bị mục chân phía trong thì xi măng khó kết dính được. Chuyện tuột đá với những tảng nhỏ rơi xuống đường này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Năm 2007 và nhiều năm trước đó, trên núi Cấm này cũng từng sạt đá khá lớn nhưng may mắn là thương vong ít.

Ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết khi làm đường thì đơn vị thi công cũng như cơ quan thiết kế đã lường được chuyện đá ở vách núi ven đường tuột. Do vậy, quá trình thi công đã có xử lý tất cả các hòn đá loi choi bám theo vách núi. Tuy nhiên, những tảng đá tuột này nằm ở tuốt trên cao chứ không nằm theo vách đá. Do mưa nắng lâu ngày bị mục chân nên tuột.

Năm 1982, trên núi Cấm cũng từng xảy ra sạt lở núi lớn nhưng lúc đó là do núi chưa có cây rừng nhiều. Sau này rừng cây phát triển nên không còn sạt lở nữa. “Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về lâu dài, tới đây chúng tôi sẽ cùng Sở GTVT và các ngành liên quan đến khảo sát lại toàn bộ vách núi ven đường, nhằm bàn giải pháp chống sạt lở” - ông Yến nói.

Sáu người thiệt mạng

Sáu người chết trong vụ tai nạn gồm: Nguyễn Văn Linh (SN 1980), Võ Hoài Phương (SN 1972), Nguyễn Văn Nhẹ (SN 1980), Trần Văn Lèo (SN 1980), Nguyễn Văn Ngà (SN 1952) và Trương Hoài Tâm (SN 1983, tài xế lái xe lữ hành). Hai người bị thương là Phạm Minh Tâm (SN 1982) và Nguyễn Văn Đủ (SN 1975).

Ngoài tài xế là người địa phương (nhà ở núi Cấm), bảy nạn nhân còn lại đều ở Tiền Giang.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm