Sáng 1-3, Sở TT&TT, Sở KH&CN, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức”.
Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Tại tọa đàm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết chỉ sau hai tháng ra mắt, ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo ra một làn sóng mới tác động đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Theo ông Thắng, qua khảo sát 1.000 doanh nghiệp (DN), có khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Các DN cho biết ChatGPT đang dần thay thế nhân sự ở một số vị trí nhất định.
Bàn về việc áp dụng ChatGPT vào lĩnh vực quản lý nhà nước, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM kỳ vọng trong thời gian tới các đơn vị có thể ứng dụng ChatGPT vào các cổng dịch vụ công, Tổng đài 1022 giải đáp thắc mắc cho người dân và DN, phục vụ công việc của công chức nhanh và hiệu quả hơn...
“Tuy nhiên, tính bảo mật thông tin, tính minh bạch, sự tin tưởng với dữ liệu mà ChatGPT cung cấp là vấn đề được đặt ra mà chúng ta cần quan tâm và giải quyết trong thời gian sắp tới” - ông Thắng nói thêm.
PGS. TS Đinh Điền với phần chia sẻ về “ChatGPT và những hướng ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến”. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
PGS. TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nêu thực tế ChatGPT còn gặp nhiều hạn chế về dữ liệu thông tin, chưa có độ tin cậy khi chia sẻ về những thông tin mang tính đặc thù như lịch sử, văn hóa, đất nước, ngôn ngữ... Tuy nhiên, trong tương lai gần, công cụ này sẽ tạo ra thách thức cho con người trong việc giám sát thông tin.
"Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng hiện các đơn vị, cơ quan quản lý có thể ứng dụng ChatGPT để phục vụ công việc trong các cơ quan hành chính nhằm tiết kiệm công sức cho cán bộ, người dân khi quản lý, tra cứu và trích xuất dữ liệu" - PGS. TS Đinh Điền nói.
Ông cũng nhấn mạnh việc cần học hỏi để hiểu hơn về ChatGPT và làm chủ được nó. Phải biết cách hỏi và biết cách nhận ra sai sót của nó để quản lý được thông tin mà nó tạo ra.
Báo cáo tham luận, TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, cho rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có năng lực tạo ra hơn một triệu thông tin mỗi ngày. Do vậy, rất khó để con người kiểm soát được các thông tin này.
Ông Khang đề xuất bốn nhóm giải pháp trong việc sử dụng và ứng dụng AI vào đời sống cũng như quản lý nhà nước.
Cụ thể, xây dựng kiến trúc hệ sinh thái AI có khả năng tích hợp ứng dụng GPT, xây dựng cơ chế kiểm định tự động đầu ra của ChatGPT đối với các ứng dụng liên quan đến dịch vụ công, nâng cao nhận thức về GPT và AI, đầu tư nghiêm túc phát triển nghiên cứu khoa học về dữ liệu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở KH&CN, các đơn vị các liên quan tiếp tục tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài TP tham gia cùng TP.HCM tìm hiểu về ChatGPT và khai thác công cụ này một cách hiệu quả.
“Phải tìm hiểu và biết rõ ChatGPT có thể dùng vào việc gì; tìm cách ứng dụng làm sao đưa vào sớm nhất, hiệu quả nhất để cải thiện bộ máy phục vụ người dân, đó là mục tiêu cao nhất” - ông kết luận.
Sở TT&TT TP.HCM đặt hàng nghiên cứu ChatGPT
Tại tọa đàm, Sở TT&TT đã đặt hàng các đơn vị, các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào bốn lĩnh vực.
Đầu tiên, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ TP nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, DN.
Thứ 2, ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ lãnh đạo TP, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu.
Thứ 3, ứng dụng ChatGPT nhằm xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học tại TP.HCM. Cụ thể là làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh.
Cuối cùng, nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.