4 góp ý để hỗ trợ người khó khăn vượt qua đại dịch

 Anh Tám bán nước sâm trước hẻm nhà tôi hôm qua đã thông báo là hai vợ chồng đã nhận hỗ trợ với thủ tục đơn giản từ phường.

Đây là một tín hiệu tốt vì chính phủ đã rút được kinh nghiệm ở gói 62.000 tỷ năm trước với tỷ lệ hỗ trợ rất thấp, khoảng 22%.

Nhưng anh Tám là người may mắn có hồ sơ tạm trú ở phường. Câu chuyện của những người không có một tờ giấy tùy thân, di chuyển quanh thành phố, nay đây mai đó sẽ là câu chuyện “đau đầu” của chính quyền. Tuy nhiên đây lại là thế mạnh của các tổ chức làm thiện nguyện, công tác xã hội tại địa bàn.

Một nhóm thiện nguyện đang phát cơm miễn phí cho người lao động khó khăn giữa mùa dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC LÀI

Khi TP.HCM đang giãn cách xã hội xuyên suốt gần hai tháng nay, chính quyền thành phố đã có những hỗ trợ kịp thời cho những người khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy liên tục những tin kết nối, chia sẻ nguồn lực với người lao động nghèo và cả bà con trong khu vực đang bị cách ly của các nhóm thiện nguyện, phi lợi nhuận. 

Dựa vào nguồn này, một anh bạn làm xã hội đã tạo một bộ ảnh cho thấy có 38 cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ nhu yếu phẩm và thức ăn cho cộng đồng rất xúc động. Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, một tổ chức mạng lưới thúc đẩy sự phát triển phi lợi nhuận ở TP.HCM, cũng thực hiện một tổng kết tương tự và đã thu thập gần 50 cá nhân, nhóm, tổ chức và các sáng kiến hỗ trợ người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Còn ở thực tế nếu bạn đi xuyên suốt con đường Phan Đăng Lưu, khu vực xung quanh hai bệnh viện Ung Bướu và Nhân dân Gia Định, khoảng 17 giờ chiều hàng ngày thì có thể thấy những tấm lòng từ thiện hỗ trợ bà con nghèo, người lao động tự do, ngay đây cũng có một quán cơm 2.000 phục vụ họ hàng ngày. Ở nhiều con đường khác ở thành phố này cũng vậy. Đây là chuyện diễn ra trước khi TP áp dụng Chỉ thị 16. Còn hiện nay, các phường, xã và những đội nhóm thiện nguyện vẫn len lỏi từng ngóc ngách để hỗ trợ người dân khó khăn.

Một mạng lưới những người đang thực hành công tác xã hội và phát triển cộng đồng đang thảo luận về bối cảnh người nghèo đô thị, đặc biệt là người lao động tự do sẽ sống như thế nào nếu TP.HCM tiếp tục giãn cách. May mắn cho thấy họ không thiếu đói vì bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền thì đã có những cá nhân, tổ chức cộng đồng chung tay cùng hệ thống chính phủ hỗ trợ bữa ăn hàng ngày. Cùng với đó, một số người lao động tự do cũng đã nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của thành phố rồi.

Tác giả Phạm Trường Sơn-Phó giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN

Sáng nay, tôi đọc thông tin Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam kết hợp với chính quyền tỉnh Quảng Nam có kế hoạch đưa người dân của mình từ TP.HCM về quê nếu có nhu cầu. Đây thật sự là một tin mang đến nhiều niềm tin của những người làm xã hội và cộng đồng, nó cho thấy sự kết hợp giữa thế mạnh của hai chủ thể là chính quyền và tổ chức xã hội.

Hiện nay, lĩnh vực công tác xã hội với hàng ngàn tổ chức đang ngày đêm hoạt động tại TP.HCM nhưng chưa có một thống kê tổng thể để đánh giá xem họ hoạt động ra sao. Họ có phải là một thành tố trong quá trình phát triển của TP.HCM hay không? Để công tác hỗ trợ người yếu thế được bềnh vững hơn, tôi xin được góp vài ý: 

Một là, bên cạnh các chuyên gia góp ý cho công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế thì thành phố cũng cần lắng nghe thêm các chuyên gia thiện nguyện, công tác xã hội và phát triển cộng đồng. Chính họ sẽ góp ý kiến thiết thực nhất cho các hoạt động hỗ trợ người dân hiện nay và tương lai.

Hai là, ngoài các gói hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch, chính phủ và cả các tổ chức xã hội cần có những hoạt động hồi phục dành cho lao động tự do, người nghèo và công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn;

Ba là, Quyết định 112/QĐ-TTg ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cần được thực thi hiệu quả để thúc đẩy hệ thống chính trị, đoàn thể và tổ chức xã hội có những mô hình hồi phục thiết thực cho người dân.

Lâu nay, quá trình làm việc của các đội nhóm này vẫn mang tính từ thiện, chủ yếu cho nhận trực tiếp mà ít nghĩ đến tăng năng lực để người dân tự giải quyết vấn đề của mình.

Bốn là, một môi trường hợp tác hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội với thế mạnh của mỗi bên (nhà nước có ngân sách, tổ chức xã hội có năng lực) sẽ là tiền đề cho sự phát triển cộng đồng trong tương lai, từ đó giúp TP.HCM thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững về cả kinh tế lẫn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm