Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó có các hoạt động đối ngoại luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, nhất là khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần thì điều này lại càng trở nên cấp bách.
Bởi bối cảnh thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột diễn ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, sự trỗi dậy của nhiều dòng tư tưởng, của chủ nghĩa dân túy, cực đoan, cường quyền, áp đặt trở nên mạnh mẽ…
Lợi dụng điều này, các lực lượng phản động, chống phá đã ra sức tuyên truyền một cách tinh vi nhằm định hướng sai dư luận. Các trang mạng, blog, website của các tổ chức phản động… không ngừng tăng tần suất các bài viết, số lượng bài viết tạo sự chú ý của công luận. Mục đích nhằm bôi nhọ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, phủ nhận những thành tựu của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước, làm cho nhân dân thiếu niềm tin vào Đảng, phai Đảng, nhạt Đảng.
Nhằm chỉ rõ những âm mưu của các thế lực thù địch, khẳng định tính đúng đắn của đường lối ngoại giaocủa Việt Nam, cần nhận thức rõ một số nội dung.
Một là, mở rộng hợp tác với các nước là truyền thống dân tộc Việt Nam được xây dựng hàng ngàn năm lịch sử, được hình thành ngay từ những ngày đầu khai thiên, lập quốc.
Truyền thống ngoại giao Việt Nam là truyền thống “nội yên, ngoại tĩnh”, thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người.
Chính sách ngoại giao được thực hiện phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, mỗi triều đại. Mục đích của hoạt động ngoại giao là vì lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn nạn xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc.
Hai là, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mở rộng quan hệ ngoại giao vào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền ngoại giao theo phương châm “quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”.
Trong quá trình gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Chúng ta luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ba là, đường lối ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì mục tiêu ổn định chính trị. Việt Nam xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của quốc gia.
Bốn là, ngoại giao Việt Nam luôn vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các hoạt động ngoại giao không chỉ phục vụ mục đích chính trị, quân sự, đấu tranh giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước… mà còn góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại.
Để bảo vệ vững chắc hơn nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan, các cấp, các ngành cần nhanh nhạy hơn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức, kiểm soát thông tin; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các hoạt động ngoại giao, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, độc. Đồng thời phát huy cao độ tinh thần tự giác, có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
(*) Trưởng bộ môn Chính trị học, khoa Lý luận cơ sở Học viện Cán bộ TP.HCM