43 lao động Việt ở Nhật Bản kêu cứu

Theo ông Nam, thông tin xác nhận của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết những lao động này sang Nhật Bản theo hình thức hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản. Khi đến Nhật làm việc, công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản lại không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về các điều kiện làm việc và ăn ở.

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tới nhà máy tại Iwate - nơi những lao động này đang làm việc để xác minh, làm rõ các điều kiện làm việc, ăn ở thực tế của người lao động. Qua đó, có cơ sở yêu cầu công ty sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo điều kiện làm việc và ăn ở cho người lao động.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Trước đó, 43 lao động Việt Nam có đơn cầu cứu gửi đến Ban Bảo hộ công dân thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các lao động trên cho hay họ qua Nhật Bản theo diện kỹ sư được tuyển chọn trực tiếp từ một công ty con của Freesia House Corporation, Tokyo. Thực tế, họ chỉ là lao động tay chân lách luật để sang Nhật Bản với mức lương được quảng cáo trên mạng là 30 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí sinh hoạt. Nhưng khi đến Nhật Bản, mọi việc khác hẳn, họ được chuyển về tỉnh Iwate - nằm ở miền Bắc nước Nhật, làm việc tại công ty Seinan.

Các lao động cho biết mỗi tháng họ phải trả 39.000 yen/người tiền thuê nhà và 8.000 yen tiền điện nước (tổng cộng gần 10 triệu đồng), bị trừ trực tiếp khi công ty chuyển lương vào tài khoản ngân hàng. Số tiền trả gần 10 triệu đồng như vậy nhưng họ chỉ được ở 9 người/phòng 25 m2, với điều kiện tồi tàn...

Ông Tổng Hải Nam khuyến cáo trước khi đi làm việc ở nước ngoài nói chung và ở Nhật Bản nói riêng theo bất kỳ hình thức nào, người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở trong hợp đồng sẽ ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài và chỉ ký hợp đồng khi đã thực sự hiểu cũng như vừa ý với các điều kiện đó.

Người lao động cũng có thể tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) hoặc gọi điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại (04-38249517 máy lẻ 511, 512, 513). Hoặc người lao động có thể tới Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi người lao động cư trú để được tư vấn các thông tin chính thống, để có thể đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm