5 điểm nhấn của ngành Nội chính Đảng trong năm 2018

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 

Thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Năm mới 2019, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính đảng năm 2018.

Đây là một Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đánh giá kết quả công tác năm 2018, mà còn nhìn lại kết quả hoạt động của ngành nội chính đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay; thảo luận, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Trước hết, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thân ái gửi tới các vị đại biểu, các đồng chí cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành nội chính đảng trong cả nước lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, nhất là năm 2018, chúng ta vui mừng nhận thấy ngành nội chính đảng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nhiều công việc, khá toàn diện, có nhiều đổi mới, phối hợp nhịp nhàng, bài bản, khoa học, đúng chức năng, nhiệm vụ. Vị thế, vai trò của ngành nội chính đảng được khẳng định, dư luận xã hội đánh giá cao; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định chủ trương tái lập Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy là đúng đắn.

Các đồng chí đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, nhất là Báo cáo và các tài liệu lưu hành tại Hội nghị. Một số ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm, sát với tình hình thực tế. Tôi cơ bản tán thành với những nội dung của Báo cáo và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau đây:

Một là, ngành nội chính đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sơ kết, tổng kết, xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết, đề án quan trọng của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tích cực nghiên cứu, thẩm định nhiều đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để "không thể tham nhũng."

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương.

Hai là, ngành nội chính đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai."

Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; vừa tham mưu, đề xuất và theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, vừa đề xuất với Ban Chỉ đạo nhiều cơ chế, cách làm phù hợp, có hiệu quả. Nổi bật nhất là, các đồng chí đã tích cực, kiên trì, kiên quyết, cụ thể trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Vừa tham mưu cho Ban Chỉ đạo đưa các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo; vừa đề xuất các cơ chế phối hợp, định hướng chủ trương, quan điểm xử lý; đồng thời tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng vụ án, vụ việc cụ thể, nhất là khó khăn, vướng mắc về xác định tội danh, về giám định, định giá tài sản...

Ở đây đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng và thống nhất ý kiến giữa các cơ quan chức năng mới làm được; vì phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp; nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị. 

Vừa qua, tôi thấy rất mừng là Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án đã phối hợp rất tốt; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, chúng ta đã xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế).

Trong 5 năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm.

Riêng trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như vụ án về Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ ánNguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhiều ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Việc tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã trở thành quyết tâm chính trị của ngành nội chính đảng và đạt kết quả tốt (qua tổng kết thi đua, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý 933 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế...).

Tại một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đã chú ý quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã bước đầu được khắc phục (điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, An Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh,...).

Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành nội chính nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng.

Ba là, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng được quan tâm, ngày càng nền nếp, hiệu quả.

Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp ủy, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy; kiểm tra, rà soát hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước; kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán; thanh tra, kiểm tra các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế,...

Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp tham mưu, đề xuất cấp ủy tổ chức thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Qua đó, góp phần thúc đẩy, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện tốt hơn công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; những vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế phức tạp được chỉ đạo, xử lý dứt điểm; hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được nâng lên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị. 

Bốn là, ngành nội chính đảng có nhiều đóng góp tích cực, có hiệu quả vào công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật; các vụ việc tụ tập đông người, biểu tình, đình công, lãn công, gây rối, nhằm âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch,... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Năm là, tổ chức, bộ máy của ngành nội chính đảng từng bước được củng cố, kiện toàn; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; vị thế, uy tín của ngành nội chính đảng ngày càng được khẳng định.

Tuy thời gian được tái lập chưa nhiều, nhưng Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ đã nhanh chóng ổn định tổ chức, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính đảng "Trung thành, liêm chính, bản lĩnh, sáng tạo;" phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ban Nội chính Trung ương có phương pháp công tác, lề lối làm việc tương đối khoa học, nghiêm túc, với sự phân công rành mạch, đúng chức năng, nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng; cán bộ, công chức tích cực, trách nhiệm, tận tụy với công việc; các đồng chí lãnh đạo Ban có tác phong sâu sát, cụ thể, tâm huyết, làm việc hiệu quả cao.

Không những chú trọng làm tốt công tác xây dựng Ngành, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy còn chủ động tham gia thẩm định về công tác cán bộ theo phân cấp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, những đóng góp thiết thực của ngành nội chính đảng trong thời gian qua.

Thưa các đồng chí,

Những kết quả, thành tích các đồng chí đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; trong nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính. Quan tâm chưa đúng mức trong tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính.

Thực hiện công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở một số nơi còn hạn chế, chưa sâu, chưa đi đến cùng; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn "tham nhũng vặt" hiệu quả chưa cao; ở một số lĩnh vực, địa phương công tác phòng, chống tham nhũng chưa chuyển biến mạnh mẽ...

Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí nghiêm túc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế; tập trung thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời cũng là năm bắt đầu triển khai công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực này, trọng trách của ngành nội chính đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Tôi đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp mà các đồng chí đã nêu trong Báo cáo; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

Một là, cần tiếp tục đầu tư nhiều công sức hơn nữa cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tích cực tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những "khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng." Chủ trì và phối hợp nghiên cứu, đề xuất đưa ra được những quan điểm, định hướng lớn về lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp để phục vụ việc chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp.

Tham mưu, đề xuất các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 khoá XII. Tham mưu tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo định hướng lớn để sửa đổi các luật có liên quan. Nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ cấp tỉnh,... bảo đảm cho luật pháp phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Hai là, chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Trước hết là kiểm tra, giám sát việc chấp hành. ngành nội chính đảng phải chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp tỉnh và trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính; nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không?...

Các đồng chí phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, phải chủ động tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh...).

Ba là, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Thực tế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua cho thấy, cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế là rất hiệu quả, các đồng chí cần tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.

Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải thực sự là trung tâm khâu nối, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, bảo đảm việc xử lý phải nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Cần tham mưu chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Chú trọng tham mưu, đề xuất với các cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt").

Xác định đúng vai trò, vị trí, để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế nói riêng; phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng.

Bốn là, chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương.

Nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp.... không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ.

Các đồng chí cần chủ động phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính. Chủ động tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính, nhất là tham gia ý kiến trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy quản lý trong các cơ quan nội chính... ngành nội chính đảng phải chủ động phối hợp, tham mưu cho Đảng kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hóa, biến chất; không để lọt vào quy hoạch nhân sự đại hội đảng các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," có quan điểm lệch lạc, sai trái, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính đảng thật sự liêm chính, trong sạch.

Cán bộ, công chức ngành nội chính đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp là những lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ của ngành nội chính đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt hơn nữa để ngành nội chính đảng hoàn thành tốt trọng trách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng trong lĩnh vực công tác này.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành nội chính đảng, tôi tin tưởng rằng trong năm 2019 và thời gian tới các đồng chí sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhân dịp năm mới 2019 và Xuân Kỷ Hợi sắp đến, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành nội chính đảng một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm