Theo Bộ GTVT, trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội đang triển khai đầu tư sáu tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, Bộ GTVT làm chủ đầu tư hai dự án đường sắt là Cát Linh – Hà Đông và tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi (Hà Nội). TP.HCM làm chủ đầu tư tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương. TP Hà Nội làm chủ đầu tư tuyến Nhổn – ga Hà Nội và đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Tính đến năm 2022, ngân sách nhà nước rót vào các dự án đường sắt đô thị là 66.011 tỉ đồng. Trong đó, TP Hà Nội là 36.602 tỉ đồng và TP.HCM là 29.408 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới đưa vào khai thác 13km tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chỉ đạt hơn 10% tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.
Các dự án còn lại đều chậm phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư cụ thể:
Dự án Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, chính quyền TP Hà Nội đưa ra kế hoạch về đích vào năm 2015, nhưng phải điều chỉnh kéo dài đến năm 2027, ức kéo dài dự án thêm 12 năm. Và đến nay dự án vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Dự án này cũng giữ kỷ lục về tăng tổng mức đầu tư, khi ban đầu chỉ dự toán ở mức 19.555 tỉ đồng, nhưng điều chỉnh tăng lên 35.678 tỉ đồng (tăng thêm 16.123 tỉ đồng). Trong đó vốn vay ODA Nhật Bản là 30.129 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Dự án Nhổn – ga Hà Nội, theo quyết định ban đầu của TP Hà Nội dự án được hoàn thành vào năm 2018, sau đó điều chỉnh đến năm 2022. Mới đây, chủ đầu tư lại tiếp tục xin điều chỉnh dự án này đến năm 2027. Như vậy sau hai lần điều chỉnh dự án này kéo dài thời gian thêm chín năm.
|
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục xin lùi thời gian và tăng vốn. Ảnh: V.LONG |
Dự án này ban đầu có tổng mức điều tư chỉ 783 triệu Euro (thời điểm này chưa tính ra tiền đồng). Năm 2013, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro, khoảng 32.910 tỉ đồng (vốn ODA là 957,99 triệu Euro; vốn đối ứng trong nước là 218,01 triệu Euro). Nay thành phố Hà Nội tiếp tục xin tăng tổng mức đầu tư từ 32.910 tỉ đồng lên 34.826 tỉ đồng, tăng thêm 1.916 tỉ đồng.
Dự án Bến Thành – Suối Tiên, chính quyền TP.HCM ban đầu đưa ra kế hoạch hoàn thành vào năm 2021, sau đó lùi đến năm 2023 và mới đây lại xin lùi đến năm 2027. Như vậy, dự án này phải lùi hai lần với thời gian thêm sáu năm.
Dự án Bến Thành - Tham Lương cũng giữ kỷ lục về việc điều chỉnh thời gian hoàn thành. Cụ thể, dự án được chính quyền TP.HCM phê duyệt với mốc thời gian ban đầu từ năm 2010-2018, sau đó điều chỉnh từ năm 2021-2026 và giờ đây tiếp tục xin điều chỉnh lùi về năm 2030. Như vậy, kể từ khi chính quyền TP.HCM phê duyệt dự án cho đến khi hoàn thành mất thêm 12 năm.
Dự án này cũng tăng vốn khủng, khi ban đầu TP.HCM dự tính tổng mức đầu tư chỉ 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỉ đồng). Sau đó, chính quyền thành phố điều chỉnh lên trên 2.093 triệu USD, tương đương 47.890 tỉ đồng (tăng thêm 27.774 tỉ đồng).
Dự án Yên Viên – Ngọc Hồi, Bộ GTVT dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017, nhưng điều chỉnh hoàn thành vào năm 2024. Như vậy dự án kéo dài thêm 7 năm. Tuy nhiên, dự án này nhiều năm qua vẫn nằm bất động và có một điều chắc chắn sẽ không hoàn thành được vào năm 2024 như dự kiến.
Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc và chỉ đạo các cơ quan liên quan bàn giao hồ sơ dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho chính quyền TP Hà Nội nghiên cứu để tiếp tục triển khai đầu tư thay Bộ GTVT. Nên thời điểm hoàn thành dự án chắc người dân thành phố tiếp tục phải chờ…
Nguyên nhân các dự án trên chậm theo Bộ GTVT tập trung vào sự biến động của tỉ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án, chậm giải phóng mặt bằng, bổ sung các công việc còn thiếu do không lường trước, thay đổi thiết kế...
Cạnh đó, dự án đường sắt đô thị hoàn toàn mới ở Việt Nam. Do đó, gần như phần lớn các tiêu chuẩn đã và đang áp dụng cho các dự án đều tham khảo của nước ngoài nên việc xác định tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng thường mất rất nhiều thời gian...