5 giải pháp xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH

(PLO)- Bị chậm, trốn đóng BHXH, người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi liên quan như không được hưởng chế độ BHYT khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Điều đó có nghĩa là hơn 200.000 người lao động có khả năng bị nợ lương, ốm đau đi viện không được hưởng chế độ bảo hiểm, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm...

Chị Lê Thị Trang (ngụ phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM) từng có hơn 10 năm làm công nhân may cho một công ty và được đóng đầy đủ các khoản BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cách đây ba năm, do công ty khó khăn nên cắt giảm nhân công, chị phải chịu cảnh thất nghiệp. Sau đó, chị Trang xin vào làm công nhân cho một công ty khác nhưng không được đóng BHXH, BHYT, BHTN. Để đảm bảo quyền lợi an sinh cho mình, chị đã phải tự bỏ tiền mua BHXH tự nguyện (hơn 200.000 đồng/tháng) và mua BHYT hộ gia đình (hơn 800.000 đồng/năm). Số người như chị Trang không ít.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đến hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Tổng số tiền mà doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH cho người lao động là hơn 22.000 tỉ đồng.

Khi bị chậm, trốn đóng BHXH, người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi liên quan như không được hưởng chế độ BHYT khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi… Vậy nhưng hầu hết người lao động không dám đòi hỏi hay đấu tranh vì sợ bị đuổi việc. Một số người tìm cách tự lo cho mình, tự bỏ tiền túi ra đóng BHXH tự nguyện để được tiếp tục hưởng các quyền lợi an sinh.

Chuyện doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH diễn ra từ nhiều năm nay và các ngành đã bàn nhiều giải pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, thực trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn liên tục diễn ra.

Biện pháp cứng rắn nhất đã được đưa ra là xử lý hình sự theo tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216 BLHS). Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 05 hướng dẫn xử lý tội trốn đóng BHXH cho người lao động, trong đó đã gỡ vướng nhiều vấn đề, chẳng hạn cách xác định thế nào là “hành vi gian dối” để trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc nên số vụ trốn đóng BHXH bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự với cá nhân về tội danh này là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm. Trong khi đó, số cá nhân là người sử dụng lao động bị xử phạt hành chính về hành vi này còn rất ít ỏi.

Để khắc phục tình trạng này cần có những giải pháp đồng bộ từ phía người lao động, công đoàn các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.

Người lao động khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì cần mạnh dạn khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.

Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động… khi phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội theo Điều 216 BLHS thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.

Cơ quan BHXH cần thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng BHXH dưới ba tháng, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị nợ từ ba tháng trở lên.

Đối với các doanh nghiệp dùng thủ đoạn để chây ỳ, trốn đóng BHXH, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vài trường hợp làm điểm để răn đe chung.

Bên cạnh bốn giải pháp trên, giải pháp căn cơ lâu dài hơn là phải sửa Luật BHXH, tăng cường các chế tài đủ mạnh cho hành vi trốn, chậm đóng BHXH. Bởi nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, khi người lao động đóng BHXH mà bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH tước đoạt đi quyền lợi lẽ ra được hưởng thì rất dễ nảy sinh tâm lý thiếu tin tưởng vào chính sách BHXH, chủ động rời hệ thống BHXH. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống an sinh về sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm