Trong năm năm qua, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, xu hướng tăng. Cả nước phát hiện hơn 2.200 vụ (tăng 11,6% so với cùng kỳ) với gần 4.500 nạn nhân, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 3.300 nghi can. Sáng 14-7, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho biết tại Hội nghị toàn dân phòng, chống mua bán người.
Theo ông Hòa, tội phạm mua bán người xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành, có cả mua bán trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, nội tạng… Ở Cần Thơ có vụ 75 công nhân nam bị lừa bán cho các chủ lò gạch, chủ khai thác mỏ ở Trung Quốc.
Lý do của thực trạng này là lợi nhuận, mất cân bằng giới tính, khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ cả tin của người dân... Cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện gây ra tình trạng này.
Các bị cáo bị Tòa án tỉnh Nghệ An xét xử về tội mua bán người (ảnh chụp ngày 21-4). Ảnh: Đ.LAM
Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát, cho hay nạn nhân của những vụ buôn bán người chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng núi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho hay mỗi năm có khoảng 1,2 triệu phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Một phần ba trong số đó ở Đông Nam Á hoặc xuất phát từ khu vực này.
Theo Bộ Công an, năm 2011-2015, tòa án đã xét xử 1.032 vụ với 2.084 bị cáo liên quan mua bán người, trong đó có ba người bị tù chung thân; hơn 800 người bị phạt từ bảy đến 20 năm tù, số còn lại nhận mức án dưới bảy năm tù.
Sáu tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 174 vụ mua bán người với 351 nạn nhân. Trong đó có 148 vụ mua bán phụ nữ ra nước ngoài (sang Trung Quốc chiếm 75%). Cá biệt có nạn nhân là giáo viên tiểu học (ở Điện Biên). Tình trạng lừa bán trẻ em sang Trung Quốc, lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp. |