Ngày 25-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn báo cáo Bộ KH&ĐT về tình hình thực hiện giải ngân năm 2023 của TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM đã phân bổ chi tiết 98% số vốn ngân sách Trung ương được giao trong năm 2023 (14.996/15.292 tỉ đồng) và cơ bản phân bổ toàn bộ số vốn ngân sách địa phương năm 2023 theo số giao của Thủ tướng (53.493 tỉ đồng).
Tổng số vốn đầu tư công năm 2023 đã giải ngân đến hết ngày 17-8 là 19.133 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27%.
TP.HCM kiến nghị gỡ vướng dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2. Ảnh: N.TIẾN |
UBND TP.HCM cho biết ngay từ đầu năm 2023, TP.HCM đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án được giao vốn.
Thành ủy TP.HCM cũng đã thành lập 13 tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng (kế hoạch vốn bố trí cho các dự án này là 49.694 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 70% tổng kế hoạch vốn 2023 được giao).
Qua rà soát kết quả giải ngân của TP trong quý I-2023, Chủ tịch UBND TP đã phê bình 25 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Sau đó, Chủ tịch UBND TP đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư có dự án chưa thực hiện giải ngân vốn do nguyên nhân chủ quan tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý II - 2023.
UBND TP.HCM cho hay thời gian tới sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn. Đồng thời, rà soát các dự án còn gặp khó khăn vướng mắc, giải quyết, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể; quyết liệt đeo bám, theo dõi và triển khai đến khi dự án hoàn thành.
Trong đó, đối với các dự án chậm giải ngân do chủ đầu tư: UBND TP.HCM giao chủ đầu tư khẩn trương rà soát, theo sát, chấn chỉnh, đôn đốc các phòng ban, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân bảy tháng đã xây dựng.
Đối với các dự án chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: thì quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng thi công cho các chủ đầu tư thực hiện theo tiến độ.
Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Sở TN&MT làm tổ trưởng sẽ theo dõi, giám sát tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác đo vẽ, kiểm đếm của các địa phương, tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân... của các dự án này.
Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức giải quyết ngay các các dự án có khó khăn, vướng mắc liên quan căn hộ tái định cư cho các địa phương để đảm bảo tiến độ thực hiện của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án chậm giải ngân do các sở, ngành: UBND TP.HCM giao các sở, ngành khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết các thủ tục liên quan theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND TP xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
Các đơn vị này cần rà soát, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục tại cơ quan mình, đặc biệt là các thủ tục đầu tư các dự án đầu tư được giao vốn trong năm 2023.
Đối với các dự án chậm hoặc chưa giải ngân do thủ tục quyết toán: Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, trình Sở Tài chính hoặc UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Sở Tài chính và các địa phương rà soát, rút ngắn thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành so với quy định (theo quy định dự án nhóm C là ba tháng, nhóm B là bốn tháng và nhóm A là sáu tháng).
Đối với dự án còn lại: Các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công; sở, ngành phối hợp hoàn tất các nội dung có liên quan và địa phương đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cũng trong công văn này, UBND TP.HCM cho biết việc thực hiện theo Thông tư 13/2020 của Bộ GD&ĐT để tính quy mô đầu tư trường học hiện nay sẽ làm giảm quy mô học sinh hiện tại ở các trường dẫn đến không đảm bảo chỗ học và giảm suất vốn đầu tư công trình.
Mặc khác, định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh trong điều kiện đặc thù của TP sẽ gây khó khăn trong việc đầu tư trường lớp và tăng số phòng học, đặc biệt là ở nội thành.
Trong đó, chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh nên áp dụng: mầm non: 8-12 m2/học sinh; tiểu học và trung học: 6-10 m2/học sinh.
TP.HCM cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương về vấn đề cập nhật dự toán gói thầu và gia hạn thoả thuận vay đối với dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Đồng thời, kiến nghị về hồ sơ thiết kế hạng mục hệ thống pin mặt trời của nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM – giai đoạn 2.