5 trường hợp vi phạm hành chính nhưng không bị phạt

(PLO)- Theo khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có 5 trường hợp người vi phạm hành chính sẽ không bị xử phạt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bạn đọc Trần Nguyên (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) hỏi: Có trường hợp nào vi phạm hành chính nhưng không bị xử phạt hay không?

Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) – Luật XLVPHC, không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (QĐXPVPHC) trong những trường hợp sau đây:

Có 5 trường hợp người vi phạm sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh minh họa

Có 5 trường hợp người vi phạm sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh minh họa

(1) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật XLVPHC, cụ thể:

- Thực hiện hành vi VPHC trong tình thế cấp thiết;

Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

- Thực hiện hành vi VPHC do phòng vệ chính đáng;

Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.

- Thực hiện hành vi VPHC do sự kiện bất ngờ;

Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó.

- Thực hiện hành vi VPHC do sự kiện bất khả kháng;

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

- Người thực hiện hành vi VPHC không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi VPHC chưa đủ tuổi bị XPVPHC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật XLVPHC.

(2) Không xác định được đối tượng VPHC;

(3) Hết thời hiệu XPVPHC hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật XLVPHC.

(4) Cá nhân VPHC chết, mất tích, tổ chức VPHC đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;

(5) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật XLVPHC.

Cần lưu ý, đối với trường hợp (1), (2), (3), (4) nêu trên, người có thẩm quyền không ra QĐXPVPHC nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC nếu tang vật, phương tiện VPHC thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi VPHC đó.

Ví dụ dễ hiểu: A năm nay 12 tuổi (chưa đủ tuổi bị XPVPHC) có hành vi đua xe trái phép. A sẽ không bị XPVPHC do chưa đủ tuổi nhưng chiếc xe máy A dùng để đua xe sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu.

Việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Độ tuổi, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

(Trích điểm a khoản 1 Điều 5 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020))

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm