Hàng loạt gia súc, gia cầm, lương thực… bà con tích trữ bỗng chìm sâu trong nước. Tài sản mất sạch, nông dân trắng tay.
Gà chết trắng chuồng, nông dân đổ nợ
Trang trại gà 11.000 con của anh Đoàn Ngọc Tiến (43 tuổi, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) chết sạch sau lũ. Bao nhiêu công sức, vốn liếng dành dụm nhiều năm coi như mất trắng. Anh không biết bám víu vào đâu để tái đầu tư.
Anh Tiến kể: Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, nước dâng liên tục khiến trại gà của anh ngập sâu trong nước. Hơn 5.000 con gà chuẩn bị xuất bán vụ Tết, 6.000 con dự định xuất sau Tết… chết sạch.
“Khi nước rút, toàn bộ số gà trong chuồng chết hết. Chúng tôi phải thu gom tiêu hủy chứ không biết làm gì. Thiệt hại hơn 1 tỉ đồng” - anh Tiến xót xa.
Anh Tiến với những xác gà chết còn sót lại sau khi tiêu hủy. Ảnh: THANH NHẬT
Theo anh Tiến, vốn đầu tư vào trang trại là vay mượn bà con, một ít tích góp từ nhiều năm nuôi gà. Sau cơn lũ vừa rồi thì anh trắng tay.
Sát bên trang trại anh Tiến, anh Trần Minh Tâm (40 tuổi, thôn Mỹ Cang) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. 6.000 con gà lớn nhỏ chết sạch.
Anh Tâm cho hay nhà anh ở vùng trũng thấp, nước dâng vào sớm. Anh phải ở nhà lo cho vợ và các con, nước lũ lên nhanh không kịp trở tay, xong việc ở nhà thì chuồng gà đã chìm trong nước.
“Tám năm nuôi gà, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng này. Tài sản mất trắng, vốn vay ngân hàng còn chưa kịp trả, không biết tiền đâu để đầu tư vụ mới” - anh Tâm rầu rĩ.
Theo quan sát, hầu hết chuồng trại nuôi gà tại thôn Mỹ Cang đều trống trơn. Gà chết trắng thôn đã được tiêu hủy. Lớp men vi sinh ướt đẫm, các chủ trang trại cùng lực lượng bộ đội đang tập trung dọn dẹp, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Một số ít gà được cứu vớt trong nước cũng đang gục rụ chết dần.
Theo thống kê sơ bộ, xã Tam Thăng thiệt hại khoảng 50.000 con gà, 15 ha tôm và hàng trăm hecta hoa màu, lương thực của bà con nông dân bị lũ cướp trắng.
Thôn nghèo éo le
Đồng cảnh ngộ, nhiều nơi tại huyện Thăng Bình cũng ngập sâu trong nước, bà con nông dân trắng tay. Điển hình, tại thôn An Thái (xã Bình An) nước ngập sâu 1-2 m, nhiều lúa gạo bà con trữ trong nhà bị ướt sũng, tài sản ít ỏi mất trắng sau lũ.
Bà Anh lo lắng không có tiền đầu tư giải quyết việc làm cho bà con. Ảnh: THANH NHẬT
Nhiều người cho biết chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh ngập như thế này. “Nước lên nhanh, chúng tôi chỉ kịp chạy đi trốn lũ, còn tài sản thì không cứu được” - một người dân nói.
Bà Trần Thị Hồng Anh (56 tuổi, thôn An Thái) cho hay xưởng mây tre đan của bà giải quyết việc làm cho 35 người già, phụ nữ. Thu nhập không bao nhiêu đồng cũng bị ngâm trong nước, một số chuyển màu không dùng được phải bỏ đi, thiệt hại ước tính khoảng 40 triệu đồng.
“Đợt vừa rồi nhập về hơn ba tấn mây, một số ngập trong nước đã chuyển màu không dùng được. Máy móc, dụng cụ cũng bị hư hỏng hết. Không biết sắp tới lấy tiền đâu trả nợ” - bà Anh thở dài.
Theo bà Anh, những công nhân làm việc cho bà chủ yếu là người lớn tuổi, không thể làm những việc nặng nhọc. Hằng ngày họ đến nhận hàng về đan lát, một số làm ở xưởng. Thu nhập bình quân khoảng 70.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau trận lũ vừa rồi, bà lo lắng không có vốn để nhập hàng mới, giải quyết việc làm cho bà con.
Ông Phan Văn Thọ (Trưởng thôn An Thái) cho hay trận lũ vừa rồi khiến 500/568 hộ bị ngập. Nước lên nhanh nên bà con lo chạy lũ, không kịp di chuyển tài sản đến nơi cao.
Theo ông Thọ, toàn thôn có hàng ngàn con gà, vịt bị lũ cuốn trôi, 150 con heo bị chết, 280 tấn lúa bà con trữ trong nhà bị ngập nước.
Chuồng trại gà chết sạch, bộ đội phải về giúp dân dọn vệ sinh. Ảnh: THANH NHẬT
“Toàn bộ số lúa bị ngập nước lên mầm, không thể bán hoặc sử dụng. Bà con tận dụng mang phơi khô làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Thiệt hại rất lớn” - ông Thọ ngao ngán.
Ông Trương Xuân Tý (Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam) cho biết Sở đang yêu cầu các địa phương lập báo cáo chính xác để sở tổng hợp tham mưu tỉnh có phương án hỗ trợ cụ thể.
Trao đổi nhanh với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho hay tỉnh đang chờ báo cáo chính xác của Sở NN&PTNT và tỉnh đang xin trung ương.
“Trước mắt, tỉnh sẽ trích ngân sách dự phòng của địa phương để hỗ trợ. Vài ngày tới có báo cáo chính xác từ các địa phương mới có mức hỗ trợ cụ thể” - ông Thanh nói.
Lũ cuốn trôi 126 tỉ đồng Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, mưa lớn tập trung tại các địa phương như TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Thăng Bình. Tổng số hộ bị ngập lụt là 17.600 hộ, đã tổ chức sơ tán đến nơi an toàn 5.991 hộ, trong đó sơ tán xen ghép 5.268 hộ, sơ tán tập trung 723 hộ. Mưa lũ làm bốn người chết. Gây thiệt hại gần 100 ha lúa và mạ, 876 ha hoa màu bị ngập úng hư hại, làm ngập úng 23 tấn lương thực. Ngoài ra, khoảng 300 ha tôm cũng bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở huyện Núi Thành. Mưa lũ cũng làm hư hỏng 25 đập thủy lợi, sạt lở một số điểm trên QL 14D, 14H, sạt lở đê, kè, bồi lấp kênh, mương… Tổng thiệt hại ước tính 126 tỉ đồng. |