Trước đó, Israel thông báo chấp thuận đề nghị này nhưng Hamas bác bỏ.
Tại Pháp, Tổng thống Pháp François Hollande đã điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Hai bên đã trao đổi nỗ lực chấm dứt xung đột ở dải Gaza. Tại Cairo (Ai Cập), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để thúc đẩy ngừng bắn. Ông John Kerry tuyên bố Mỹ cam kết viện trợ nhân đạo 47 triệu USD cho thường dân ở dải Gaza.
Bất chấp nỗ lực ngoại giao, sáng 22-7, quân đội Israel tiếp tục chiến dịch tấn công dải Gaza. Cường độ không kích vẫn ác liệt như những ngày trước.
Văn phòng của kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar ở tầng 11 một cao ốc tại dải Gaza đã bị bắn. Al Jazeera cho biết quân đội Israel là thủ phạm và nhắc lại hôm 21-7, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman đã kêu gọi ngăn chặn Al Jazeera làm việc tại Israel vì kênh truyền hình này không làm công việc báo chí là chỉ lo tẩy não. Al Jazeera do Qatar đầu tư thân cận với Hamas.
Tính đến ngày thứ 15 trong chiến dịch tấn công của quân đội Israel, về phía Palestine đã có 593 người chết và 3.640 người bị thương. Hầu hết là dân thường. LHQ đánh giá có hơn 100.000 dân ở dải Gaza tản cư. Phía Israel có 27 binh sĩ thiệt mạng và hai thường dân. Số thương vong cao gấp ba so với chiến dịch tấn công dải Gaza năm 2008-2009. Trong số binh sĩ thiệt mạng có một binh sĩ là người Israel gốc Pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tổ chức ba ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân Palestine. Quốc tang bắt đầu từ sáng 22-7. Phó Thủ tướng Bulent Arinc tố cáo: “Chúng tôi lên án Israel thảm sát nhân dân Palestine”. Trước đó, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã gọi chiến dịch quân sự của Israel là tội ác diệt chủng và tâm thái của một số người Israel chẳng khác nào Hitler.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định quân đội Israel tiếp tục ném bom vào khu dân cư và bệnh viện là hành động tội ác chiến tranh cần được quốc tế điều tra độc lập. Ngày 22-7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát cảnh báo yêu cầu công dân Mỹ không đến Israel, dải Gaza và bờ Tây.
H.DUY