Trước tình trạng ngộ độc thức ăn và thực phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn còn xảy ra khá nhiều do quản lý chồng chéo giữa ba ngành công thương, y tế và NN&PTNT, lãnh đạo TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) và đã được thông qua vào cuối năm 2016.
Đây được xem là bước đột phá của lãnh đạo TP.HCM khi xây dựng tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên địa bàn theo hướng thống nhất một đầu mối.
Ngộ độc thực phẩm giảm nhiều
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM, cho biết BQL được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nhân sự từ Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT. Do đó, việc thống nhất một đầu mối quản lý ATTP không làm tăng biên chế của TP.HCM.
“Qua sáu năm thí điểm (2017-2022), tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể. Đây được xem là thành quả ban đầu do mô hình BQL mang lại” - bà Lan nói.
Trong sáu năm qua, TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 185 người mắc. Trong khi giai đoạn ba năm từ 2014 đến 2016 (chưa thành lập BQL), TP.HCM xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.236 người mắc. “So sánh tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.HCM trước và sau khi thành lập BQL cho thấy giai đoạn 2017-2022 giảm 10 vụ ngộ độc và số người mắc giảm tám lần so với giai đoạn 2014-2016” - bà Lan thông tin.
Thịt heo trước khi đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn kinh doanh được Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Chưa hết, ngộ độc thực phẩm trong trường học giai đoạn 2017-2022 giảm tám vụ so với giai đoạn 2014-2016; ngộ độc thực phẩm trong khu chế xuất - khu công nghiệp giai đoạn 2017-2022 không có, trong khi giai đoạn 2014-2016 có năm vụ. Bên cạnh đó, số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc giảm rõ rệt. Giai đoạn 2017-2022 chỉ có một vụ, trong khi giai đoạn 2014-2016 có đến 13 vụ.
“Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm kéo theo số người mắc giảm. Điều này cho thấy từ khi thành lập BQL, người dân TP.HCM được sử dụng nhiều thực phẩm an toàn” - bà Lan chia sẻ.
Ngày càng nhiều thực phẩm an toàn
“Trung bình hằng năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 825.000 tấn gạo, 330.000 tấn thịt các loại, 450.000 tấn thủy sản các loại, 1,8 triệu tấn rau củ quả, 900 triệu trứng gia cầm. Do đa phần thực phẩm từ các tỉnh đưa vào TP.HCM nên BQL đã phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch. Bên cạnh xây dựng Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt, trứng, rau củ quả, BQL còn liên kết, phối hợp với các tỉnh trong quản lý ATTP và kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn” - bà Lan cho biết.
Trường học, khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung đông người. Một khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì hàng loạt người mắc. Chưa hết, khách du lịch trong và ngoài nước đến TP.HCM rất đông, thường ăn uống trong nhà hàng, quán ăn. Một khi khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch TP.HCM.
“BQL kết nối để đưa gạo, thịt, rau, cá… trong chuỗi an toàn vào trường học, khu chế xuất, nhà hàng, quán ăn để phục vụ học sinh, người lao động và du khách. Nhờ vậy, ngộ độc thực phẩm trong trường học, khu chế xuất, nhà hàng, quán ăn giảm đáng kể so với thời điểm chưa thành lập BQL” - bà Lan cho biết thêm.
TP.HCM hiện có 232 chợ (kể cả ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) đang hoạt động. Để thực phẩm bày bán ở chợ đảm bảo chất lượng, BQL đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “chợ thí điểm bảo đảm ATTP” tại TP Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.
“BQL và các chợ thí điểm bảo đảm ATTP đã lấy hơn 3.900 mẫu thịt, cá, rau củ… đang kinh doanh phân tích các chỉ tiêu ATTP. Kết quả có gần 3.870 mẫu an toàn, đạt tỉ lệ trên 99%. Thực phẩm kinh doanh trong chợ đảm bảo chất lượng thì người dân an tâm khi ngồi vào bàn ăn” - bà Lan nói.
Một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm mang nhiều hiệu quả
Ngoài TP.HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh cũng thí điểm BQL ATTP. Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng BQL ATTP tỉnh Bắc Ninh, cho biết sau gần sáu năm (2018-2022) hoạt động theo mô hình thống nhất một đầu mối, công tác thanh tra, kiểm tra được BQL triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát hậu kiểm, giám sát phòng ngừa và quản lý ngộ độc thực phẩm được thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, hoạt động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm được thực hiện nhanh chóng, khoa học.
“Từ khi BQL hoạt động, số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc trong tỉnh giảm dần qua các năm. Giai đoạn 2018-2022, số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm ba lần so với giai đoạn 2013-2017 (chưa thành lập BQL). Đặc biệt, năm 2021-2022 không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc” - ông Thanh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP TP Đà Nẵng, qua gần sáu năm (2018-2022) thí điểm, BQL cho thấy việc áp dụng mô hình một cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý ATTP tại địa phương đã nâng cao hiệu lực và hiệu quả.
Tập trung một đầu mối quản lý nhà nước về ATTP dẫn đến tập trung nguồn lực. Từ đó cho phép giải quyết các vấn đề về ATTP được triệt để; công tác ATTP được quản lý chuyên sâu, xuyên suốt và hiệu quả; thanh tra, xử lý vi phạm hành chính được nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.
“Tập trung một đầu mối quản lý nhà nước về ATTP còn giúp nhận diện mối nguy, phân tích mối nguy về mất ATTP một cách có hệ thống và toàn diện so với thời điểm quản lý ATTP bị cắt khúc và phân đoạn bởi ba ngành công thương, y tế và NN&PTNT cùng quản lý” - ông Hải cho biết.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giám sát rau củ kinh doanh tại chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Sau sáu năm hoạt động thí điểm của BQL đã giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác quản lý ATTP. BQL còn là đầu mối thống nhất tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến ATTP; là đầu mối thanh tra, kiểm tra ATTP cấp TP với tần suất theo quy định; tránh chồng chéo, tránh tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp thực phẩm phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.
Qua sáu năm hoạt động thí điểm, BQL bước đầu khẳng định rõ nét sự đúng đắn về mặt chủ trương xây dựng mô hình một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ATTP.
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM
Bài 3: Sở An toàn thực phẩm, trám kẽ hở mô hình thí điểm