Chiều 11-1, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) (gọi tắt là ủy ban) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực vượt khó và những thành tích quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ủy ban và các DN đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2020, thu ngân sách công ty mẹ của 17/19 tập đoàn vượt 12% so với kế hoạch. Ủy ban cũng đã đề xuất phân loại các dự án, DN thành các nhóm để có phương án chỉ đạo xử lý cụ thể, đưa ba dự án, DN ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương...
Công tác cổ phần hóa một số tổng công ty lớn cũng đạt được một số kết quả cụ thể, đáng ghi nhận. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn tại 16 công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị thu được là hơn 2, 4 tỉ đồng (gấp trên 3,8 lần giá trị sổ sách)…
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.
Đầu tiên, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12 khóa XII (tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước) để xây dựng ủy ban là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm...
Thứ hai, thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty; mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN.
Thứ ba, thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của DN; chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của DN.
Thứ tư, nhanh chóng phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DN với tiến độ nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn…
Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của ban chỉ đạo xử lý các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương; tập trung rà soát, phát hiện các dự án, DN đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các DN, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành công thương thời gian qua.
Thứ sáu, nghiên cứu đề xuất phương thức hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các tập đoàn, tổng công ty và trong các DN thành viên đã cổ phần hóa nhằm khắc phục những bất cập để nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.