Thông thường để có một loại vaccine ngừa bệnh nào đó phải mất nhiều năm
phát triển và tuân theo một quy trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt. Từ thử nghiệm lâu dài trên động vật, rồi đến thử nghiệm lâm sàng trên người và sau cùng mới được phê duyệt để đưa ra sử dụng ở quy mô lớn.
Nhưng một liên minh các chuyên gia hàng đầu
quốc tế đến từ Mỹ và Úc đang nỗ lực rút ngắn quy trình này trong cuộc chiến với virus Corona đang lan truyền nhanh và gây tử vong cao.
"Đây là sức ép rất lớn với đội ngũ nhà khoa học nhưng kỳ vọng sau sáu tháng nữa sẽ đưa ra được vaccine phòng ngừa" - ông Keith Chappell, trong nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Đại học Queensland (Úc), trả lời AFP.
Trong khi đó người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ông Richard Hatchett, cho biết việc thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được tiến hành trong 16 tuần nữa.
Nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng tiến hành tìm vaccine ngừa virus Corona. Như Công ty dược phẩm sinh học của Đức là CureVac và Moderna Therapeutics (Mỹ) cùng phát triển vaccine theo cơ chế "thông điệp RNA" để phát triển vaccine nhằm chỉ cách cho hệ thống miễn dịch cơ thể sản xuất protein để tìm và tấn công virus khi được đưa vào cơ thể.
Các nhà khoa học Pháp tại Viện Pasteur đang "
sửa đổi" vaccine sởi để ngừa virus Corona nhưng phải mất 20 tháng nữa mới có thể sẵn sàng sử dụng.
Trong khi đó, theo hãng tin
Tân Hoa Xã thì Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển vaccine.
Bộ KH&ĐT mới đây đã đánh giá sơ bộ những tác động của dịch bệnh Corona đến nền kinh tế. Trong đó, bộ này cho rằng những ngành như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải... là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp thì sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản được coi là ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn.
Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đối với các mặt hàng này đang chững lại do đóng cửa biên giới và do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc hết sức khó khăn.
“Nhiều mặt hàng nông sản phải chịu sức ép về thời vụ, bảo quản như trái cây, nhất là thanh long, dưa hấu,... nên khó xoay chuyển trong thời gian ngắn, không dễ chuyển hướng thị trường do chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức cũng như đáp ứng truy xuất nguồn gốc thông thường” - báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận định.
Thủy sản, chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi vào thị trường Trung Quốc. Sản xuất công nghiệp có lẽ bị tác động nhiều nhất do ngành chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Bộ KH&ĐT nhận định nếu quý I-2020 dập được dịch Corona thì giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ. Nếu cuối quý II-2020 dịch Corona mới chấm dứt thì dự kiến giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp đạt 6,99% so với cùng kỳ.