7 đề xuất để có căn hộ 1 tỉ đồng cho người dân

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, để phát triển dự án nhà ở giá thấp thì không chỉ cần mỗi cơ chế hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí mà còn phải làm cho quy trình thủ tục pháp lý đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi nhất có thể.

Căn hộ 25 triệu đồng/m2 “mất tích”

Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý III-2021 của Bộ Xây dựng công bố, giá rao bán căn hộ chung cư ở nhiều tỉnh, thành đều có xu hướng tăng. Cụ thể, tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng khoảng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu tăng khoảng 5%.

Trên thị trường, căn hộ có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 hầu như không xuất hiện tại khu vực trung tâm các đô thị lớn như TP.HCM. Căn hộ có mức giá này chỉ có ở một số ít dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện.

Anh Tiến Dũng (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết với số tiền gom góp của vợ chồng anh hơn 1 tỉ đồng, muốn vay thêm để mua nhà nhưng giá nhà ở TP.HCM tăng quá cao. 

“Căn hộ các khu vực xa trung tâm như huyện Bình Chánh mà giá đều trên 40 triệu đồng/m2. Chưa nói đến những căn hộ ở địa phương sát TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai cũng có giá từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Những căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2 chỉ còn lại ở những chung cư đã bàn giao 5-10 năm, diện tích lớn nên tính ra giá bán lại quá khả năng” - anh Dũng nói.

Căn hộ dưới 2 tỉ đồng gần như không còn trên thị trường, mức giá 25 triệu đồng/m2 thì biến mất khỏi khu vực TP.HCM. Anh Dũng lo rằng mình sẽ không mua được nhà ở TP.

Ông Duy Nguyễn, đại diện một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM, dẫn số liệu của kênh thông tin batdongsan.com.vn cho thấy trong chín tháng đầu năm 2021, mặt bằng giá căn hộ trung bình tại TP.HCM đạt 45-61 triệu đồng/m2, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Thậm chí trong thời điểm giãn cách xã hội, giá căn hộ vẫn tiếp tục tăng.

Theo ông Duy Nguyễn, thị trường có sự lệch pha cung cầu khi nguồn cung căn hộ cao cấp chiếm phần lớn, căn hộ bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 không còn. “Để có nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM đã khó chứ chưa nói đến phát triển dự án thương mại giá thấp” - ông Duy nói.

Người dân tìm đỏ mắt ở TP.HCM không có căn hộ giá 25 triệu đồng/m2. Trong ảnh là một dự án có giá đến 50 triệu đồng/m2. Ảnh: QUANG HUY

Hỗ trợ sẽ làm được

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nếu có chính sách ưu đãi thì hoàn toàn có thể làm được nhà ở thương mại giá thấp (phù hợp) với mức giá không quá 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại I là TP trực thuộc trung ương; không quá 23 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại I khác và không quá 20 triệu đồng/m2 đối với các đô thị còn lại.

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, HoREA đề nghị bộ trình Chính phủ xem xét xây dựng bổ sung bảy cơ chế, chính sách hỗ trợ với mức ưu đãi bằng khoảng 25%-50% chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang áp dụng cho nhà ở xã hội để tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp.

Cụ thể, HoREA đề nghị một số cơ chế như giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giảm 25% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Người mua nhà ở thương mại giá thấp vay ưu đãi với lãi suất khoảng 7,2%-7,5 %/năm trong 10-15 năm. Sau năm năm thì được quyền bán, chuyển nhượng mà không phải nộp lại tiền sử dụng đất đã được hỗ trợ khi mua nhà.

“Hiệp hội đề nghị cơ chế cho nhà đầu tư được ưu tiên tiếp cận quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở có giá hợp lý bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đơn giản, nhanh chóng đối với các dự án phát triển nhà ở có giá hợp lý. Cơ chế kiểm soát để đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hưởng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá hợp lý một lần” - ông Châu thông tin.

Theo ông Châu, khái niệm nhà ở giá phù hợp có nghĩa rất rộng và linh hoạt. Ví dụ, căn hộ nhà ở xã hội 25 m2 có giá 500 triệu đồng với đơn giá 20 triệu đồng/m2 hoặc căn hộ nhà ở thương mại 25 m2 với đơn giá 30 triệu đồng/m2 có giá bán 750 triệu đồng là nhà ở giá phù hợp đối với người có thu nhập thấp và trung bình.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, cho biết với kinh nghiệm nhiều năm xây nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, diện tích căn hộ khoảng 40 m2 là phù hợp, đảm bảo đủ tiện ích cho một gia đình nhỏ. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư chính là thủ tục pháp lý kéo dài. “Nếu thủ tục pháp lý kéo dài, chi phí dự án tăng lên thì lợi nhuận của doanh nghiệp không còn” - ông Nghĩa nói.

Nhà nước phải cùng tham gia xây

Khó đủ đường là đánh giá của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nếu muốn phát triển nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp. Thứ nhất, các chủ đầu tư sẽ không hào hứng tham gia. Thứ hai, việc đề xuất cơ chế riêng cho nhà ở thương mại giá thấp lại càng khó hơn. “Để phát triển nhà ở giá thấp, căn hộ dưới 1 tỉ đồng thì chỉ có cách là cơ quan quản lý nhà nước, địa phương vào cuộc tham gia làm” - ông Đực chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới