8 trường hợp công trình vi phạm ở Hà Nội sẽ bị cắt điện, nước

(PLO)- HĐND TP Hà Nội đã thông qua quy định cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-11, với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố.

8 trường hợp công trình vi phạm sẽ bị cắt điện nước

Theo đó, đối tượng áp dụng của quy định là chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại khoản 2, Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.

Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ 8 trường hợp công trình có vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện, nước, gồm:

Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: TP
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: TP

Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.

Ngăn chặn các vi phạm

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, thời gian qua các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP diễn biến ngày càng phức tạp.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền mặc dù đã được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận cá nhân, tổ chức còn rất hạn chế, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm.

“Đối với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ việc vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy …cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt nên người vi phạm, chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật thực hiện hành vi vi phạm” – tờ trình của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

cong-trinh-vi-pham-chung-cu.jpg
8 trường hợp công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện, nước khi xử lý. Ảnh: TP

Theo UBND TP Hà Nội, phần lớn các sai phạm tập trung vào: công trình xây dựng sai quy hoạch; xây dựng sai phép hoặc không có giấy phép; lấn chiếm đất đai; vi phạm phòng cháy chữa cháy…

Trong khi đó việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, buộc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…) còn gặp nhiều khó khăn.

Có trường hợp người vi phạm chống đối, bất hợp tác, thậm chí khiếu nại tố cáo, khởi kiện các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước. Có trường hợp gặp vướng mắc do quy định của pháp luật có liên quan đến thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phức tạp đòi hỏi cần quy trình thực hiện mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục, cơ quan…

“Do vậy việc xây dựng ban hành Nghị quyết sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính, từ đó giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản của người dân”, tờ trình của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Trình bày cáo thẩm tra, đại diện Ban pháp chế của HĐND TP Hà Nội cho biết các ý kiến thống nhất cao việc áp dụng quy định cắt điện, nước đối với 8 trường hợp công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy như dự thảo Nghị quyết.

“Việc quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước giúp các cơ quan chức năng có căn cứ để thực hiện quyền hạn của mình trong việc xử lý vi phạm.

Đồng thời giúp cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn những gì được phép và không được phép. Điều này vừa bảo vệ quyền lợi của người dân, vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân và tổ chức trong hoạt động xây dựng”, cơ quan thẩm tra đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm