Vụ án ba mẹ con cụ Nguyễn Thị May (85 tuổi, trú tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) mang tiếng oan giết người suốt 34 năm đã khép lại, bằng việc Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 (VKS QSQK1) đồng ý công khai xin lỗi và bồi thường 5 tỉ đồng.
Ít ai biết rằng, phía sau “đoạn kết có hậu” nêu trên là sự đồng hành của một vị luật sư (LS), với hành trình gần 800 ngày đi tìm công lý cho mẹ con cụ May. Anh là LS Hà Công Tâm, Đoàn LS Hà Nội.
Ở thời điểm đã có thể “thở phào nhẹ nhõm”, vị LS dành thời gian chia sẻ về những bước ngoặt lớn trên chặng đường đặc biệt này.
LS Hà Công Tâm cùng cụ Nguyễn Thị May trong một buổi làm việc tại trụ sở Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1. Ảnh: UYÊN TRANG |
Trách nhiệm nghề nghiệp thôi thúc nội tâm
PV: Cơ duyên nào giúp cụ Nguyễn Thị May tìm đến anh và anh quyết định theo đuổi vụ án?
LS Hà Công Tâm: Chiều một ngày tháng 6-2020, tôi vừa về tới văn phòng sau phiên tòa muộn thì gặp một cụ già đang chống gậy (sau này mới biết là cụ May) đứng chờ mình. Vừa gặp, cụ lập tức trình bày về việc quân nhân Lê Danh Tân bị sát hại, rồi ba mẹ con bị bắt giam oan, đi kêu cứu hơn 30 năm nhưng không được giải quyết…
Đây là vụ án khiến tôi trăn trở nhất. Trăn trở bởi ánh mắt của bà cụ chất chứa cả sự tuyệt vọng và hi vọng khi nói về vụ án, từ hình ảnh một gia đình phải lầm lũi sống vì chịu tiếng oan mấy mươi năm, từ việc cô con gái của cụ vì bị bắt oan mà tình duyên dang dở đến tận ngày hôm nay.
Chừng ấy thôi, nội tâm và trách nhiệm nghề nghiệp khiến tôi nhận lời giúp đỡ gia đình cụ, dù biết rằng sẽ rất khó khăn.
+ Gia đình cụ May mất hơn 30 năm đi kêu oan mà không được giải quyết, rồi phải thêm gần ba năm kể từ khi có sự đồng hành của LS thì mới đạt kết quả. Chắc hẳn chặng đường gần ba năm này không dễ dàng?
. Đúng vậy. Lúc tiếp cận hồ sơ, dữ liệu mà chúng tôi có được gần như bằng không. Không có quyết định đình chỉ bị can, không tài liệu gì có lợi cho việc kêu oan, có chăng chỉ là một vài phiếu chuyển đơn không nhiều giá trị. Tôi đã dành nhiều ngày trong phòng làm việc, tra cứu tỉ mẩn các quy định liên quan, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Cũng không thể quên hàng chục lần ngược xuôi từ Hà Nội lên Cao Bằng và Thái Nguyên để thu thập tài liệu, với cả ngàn km đường đèo núi. Nhiều chuyến đi gần như tay trắng, thậm chí bế tắc. Không giấu gì, đã có thời điểm tôi cảm thấy mệt mỏi, rơi vào ngõ cụt. Nhưng hình ảnh bà cụ và những cuộc gọi mang theo sự kỳ vọng đã giúp tôi vực dậy tinh thần.
Với chặng đường đồng hành gần ba năm, LS Tâm cùng cộng sự đã giúp ba mẹ con cụ May đòi quyền lợi sau 34 năm mang tiếng oan giết người. Ảnh: NVCC |
Trăn trở phía sau vụ án
+ Một trong những khó khăn lớn nhất là phía VKSQSQK1 từng cương quyết bảo vệ quan điểm không xin lỗi, cũng không bồi thường. Vậy cách nào đã giúp anh thay đổi quan điểm này của họ?
. Hai lý do chính mà VKSQSQK1 đưa ra để không chấp nhận yêu cầu của gia đình là cụ May cùng các con đã nhận được quyết định đình chỉ bị can, và vụ án đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, cả hai lý do này đều không hợp lý. Gia đình cụ khẳng định không nhận được quyết định, VKSQSQK1 cũng không chứng minh được đã giao quyết định cho đương sự, vì thế cần mặc định là họ chưa nhận được. Trường hợp này được xem là trở ngại khách quan, xuất phát từ lỗi của cơ quan tố tụng, nên không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường.
Hơn thế, yêu cầu phục hồi danh dự (xin lỗi và cải chính công khai) là quyền yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản, nên không thể áp dụng thời hiệu để bác bỏ nguyện vọng của gia đình.
Với những căn cứ trên, tôi và cộng sự đã kiên định quan điểm, kiên trì khiếu nại các lập luận của phía VKSQSQK1.
+ Dù vậy, VKS Quân sự Quân khu 1 vẫn không chấp việc xin lỗi và bồi thường, phải đến khi gia đình cụ May khởi kiện ra tòa thì hai bên mới tìm được tiếng nói chung. Điều gì khiến anh và gia đình lựa chọn phương án này?
. Mong muốn ban đầu của gia đình và LS là vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Nhưng vì phía VKSQSQK1 không thay đổi quan điểm, nên buộc phải chọn con đường khởi kiện ra tòa.
Việc này nằm trong kế hoạch đã tính toán từ trước. Với những căn cứ như đã nêu, tôi rất có niềm tin quyền lợi của mẹ con cụ May sẽ được giải quyết. Và thực tế, điều này đã đúng.
Sau một vài lần hòa giải, hai bên đạt được thỏa thuận mà chưa cần mở phiên tòa xét xử. Theo đó, VKSQSQK1 đồng ý xin lỗi công khai và bồi thường cho ba mẹ con cụ.
Đạt được kết quả này, ngoài tin tưởng của gia đình, sự kiên trì của LS, tôi cũng rất cảm ơn sự tiếp thu từ phía VKSQSQK1, cùng sự điều hành của TAND tỉnh Cao Bằng.
Bén duyên với những vụ án gai góc
Ngoài vụ gia đình cụ Nguyễn Thị May, luật sư Tâm hiện đang theo đuổi một kỳ án khác là vụ "nạn nhân chết vẫn nghe điện thoại".
Vụ án này, ông Tạc Văn Ngọ (trú tại Thái Nguyên) bị TAND tỉnh Thái Nguyên và TAND Cấp cao tại Hà Nội cùng tuyên án chung thân về tội giết người và cướp tài sản. Tuy nhiên, ông Ngọ nhiều lần kêu oan.
Năm 2020, VKSND Tối cao cho rằng vụ án có nhiều vi phạm tố tụng nên đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao hủy cả hai bản án để điều tra lại. Hiện diễn biến mới đang chờ phiên tòa giám đốc thẩm từ phía TAND Tối cao.