Bộ Tư pháp vừa có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của ĐBQH thảo luận tại Tổ chiều ngày 10-11 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có vấn đề huy động nguồn lực đầu tư để xây dựng, phát triển Thủ đô…
82 dự án BT bị dừng
Báo cáo cho hay, qua thảo luận có ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, đồng thời quy định cụ thể lĩnh vực được thực hiện hợp đồng BT (Điều 40)…
Giải trình về nội dung này, Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cho hay về hợp đồng BT, trước khi Luật PPP được ban hành, TP Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và thanh toán bằng tiền. Trong đó có 11 dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện.
“Mặc dù việc triển khai các dự án BT còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng đã huy động được nguồn lực xã hội, góp phần phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, góp phần chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường trên địa bàn TP, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH” - báo cáo nêu.
Tuy nhiên báo cáo cho hay, khi Luật PPP có hiệu lực, TP Hà Nội đã phải thông báo dừng triển khai 82 dự án BT. Hầu hết các dự án này là dự án đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch…
Nếu các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT thì sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có yêu cầu triển khai sớm nhưng chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cần khơi thông nguồn lực
Bộ Tư pháp cũng cho hay, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô (Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016), đến năm 2045, Hà Nội dự kiến làm 593km đường tại nội đô với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 5.930ha (tính tối thiểu 50m mỗi bên đường); 368km đường giao thông tại các đô thị vệ tinh với diện tích đất thu hồi 3.680 ha; dự kiến mở rộng 217 km đường giao thông với tổng diện tích đất thu hồi 2.170 ha.
Theo Bộ Tư pháp, với mục tiêu đặt ra, TP Hà Nội cần có giải pháp để thu hút thêm nguồn vốn xã hội cùng tham gia đầu tư, giảm bớt áp lực cho NSNN của TP Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý các quy định về hợp đồng BT, xác định rõ những lĩnh vực, điều kiện triển khai theo hình thức BT. Đặc biệt là quy định về thanh toán BT bằng quỹ đất và tài sản công một cách phù hợp, khắc phục được những hạn chế, sơ hở, thiếu sót của pháp luật về hợp đồng BT trước đây. “Đồng thời, tạo ra cơ chế minh bạch, thuận lợi, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT” - báo cáo Bộ Tư pháp cho biết.
Báo cáo Tổng hợp ý kiến của các ĐBQH thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) về việc thực hiện hình thức hợp đồng BT (điều 40, dự thảo Luật) cho hay:
Có ý kiến tán thành việc quy định về hợp đồng theo phương thức BT, nhưng một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, nhất là việc thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất. Vì trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật PPP thấy rằng việc thanh toán hợp đồng BT bằng đất bị thất thoát nhiều nên đã dừng việc thanh toán bằng đất.
Có ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn lĩnh vực được thực hiện hình thức hợp đồng BT tại khoản 1 vì một số lĩnh vực quy định tại khoản này rất chung chung.
Có ý kiến cho rằng quy định tiêu chí để xác định dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công tại khoản 2 rất định tính, khó xác định, đề nghị cần cụ thể.