Sáng 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trình bày Tờ trình, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng phức tạp, khó lường.
Điều này làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe nhân dân, đến giống nòi, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.
Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy
Theo Đại tướng Lương Tam Quang, Chương trình nhằm tiếp nối, phát huy thành tựu, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy những năm qua và tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.
Chương trình cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách, trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy…
Nói về mục tiêu tổng quát của Chương trình, Đại tướng Lương Tam Quang thông tin: "Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Cạnh đó, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý".
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhắc tới mục tiêu bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của chương trình.
“Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý; người sử dụng trái phép chất ma tuý, góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người…” - Đại tướng Lương Tam Quang nói.
Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Chương trình đã đề ra 11 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.
Về giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết cần có cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động. Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng, triển khai mô hình tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình quản lý, phòng ngừa tái nghiện và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý.
Đại tướng Lương Tam Quang cũng đề cập tới việc xây dựng cơ chế đặc thù về nội dung chi, mức chi trong xây dựng, tổ chức triển khai mô hình; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý tại các địa phương.
Tổng nguồn vốn đề xuất để thực hiện Chương trình là trên 22.450 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 17.700 tỉ đồng (chiếm gần 79%), phần còn lại là vốn ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.
Sớm rà soát những bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của chương trình với quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma tuý…
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh phòng chống ma túy là công tác rất quan trọng, vì ma túy là nguồn gốc của nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm nguy hiểm. Hơn thế nữa, ma túy còn gây ảnh hưởng đến nòi giống, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước…
Tuy nhiên, số vốn đề xuất chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia này còn hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng hợp lý, chi cho những nhiệm vụ thật trọng tâm, đảm bảo đem lại hiệu quả lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần sớm rà soát những vướng mắc, bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính cùng các thông tư, nghị định của các bộ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, giúp công tác phòng, chống ma túy được thực hiện thuận lợi, nhất quán…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói các số liệu cho thấy tình trạng nghiện ma túy vẫn còn đáng báo động. Ông nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp triệt để, căn cơ, dài hạn, triệt để phòng ngừa ma túy, thắt chặt kiểm soát tại các điểm nóng, các khu dịch vụ giải trí.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong xây dựng Chương trình, cần cân nhắc việc đặt chỉ tiêu hợp lý để đảm bảo hành động đáp ứng được kỳ vọng, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động tích cực của Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình.
Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả của hiểm họa khôn lường liên quan đến sức khỏe giống nòi, an ninh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.