890 cơ quan kiểm soát gần 1,3 triệu người kê khai tài sản

(PLO)- Đã có một sự kết hợp giữa quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước để kiểm soát tài sản, thu nhập của 1,3 triệu người kê khai tài sản, trong đó vai trò quan trọng là hơn 700 ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn trực thuộc trung ương và nhiều cơ quan, đơn vị lớn đang phổ biến, quán triệt quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) do Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2-2022. Đây là một nhiệm vụ quan trọng để đưa các quy định mới về kiểm soát TSTN trong Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) ban hành bốn năm trước “đi vào cuộc sống”.

Phân luồng theo cấp quản lý cán bộ

Cơ quan kiểm soát TSTN được tổ chức theo mô hình phân tán, gồm tám nhóm với bảy nhóm thuộc các cơ quan nhà nước, nhóm thứ 8 thuộc các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính phủ tháng 10-2020 đã ban hành Nghị định 130 về kiểm soát TSTN nhưng công việc này vẫn phải đợi quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Mục đích là phải phân định rõ nhóm người có chức vụ, quyền hạn nào thì phân luồng cho cơ quan kiểm soát TSTN của Đảng theo dõi, quản lý, kiểm soát; phần còn lại để cơ quan kiểm soát TSTN bên khối các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý.

Quy chế phối hợp mà Bộ Chính trị ban hành là kết hợp giữa điều lệ Đảng, quy định của Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và Luật PCTN 2018 cũng như Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN được mô tả như sau:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát TSTN của những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Theo Quy định 105 năm 2017 của Bộ Chính trị, diện này rất rộng, gồm: Cán bộ cỡ thứ trưởng và tương đương trở lên ở các cơ quan trung ương; chủ tịch cùng phó bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) trở lên ở địa phương; phó tư lệnh quân khu, quân chủng trở lên trong quân đội; cục trưởng và tương đương trở lên trong công an.

- Các ban, cơ quan của Đảng ở trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương kiểm soát TSTN với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

- Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của: Người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ, tổ chức do Thủ tướng thành lập, trừ những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý; thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… và người có nghĩa vụ kê khai TSTN công tác tại Thanh tra Chính phủ.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thuộc quyền quản lý của mình, trừ những người do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ kiểm soát.

- Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy, huyện ủy và tương đương ở địa phương kiểm soát TSTN của những người thuộc diện Ban Thường vụ cùng cấp quản lý.

- TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH, cơ quan trung ương của MTTQ và năm tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, nông dân, công đoàn, phụ nữ, cựu chiến binh kiểm soát TSTN của người phải kê khai thuộc quyền quản lý của mình, trừ những trường hợp do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh ủy, huyện ủy kiểm soát.

- Thanh tra các tỉnh, thành kiểm soát TSTN của những người còn lại có nghĩa vụ kê khai TSTN công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước… trên địa bàn.

Với quy định trên, cả nước sẽ có khoảng 890 đầu mối để tiến hành kiểm soát TSTN của 1.284.375 người đã kê khai TSTN, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp QH tháng 10-2021.

Nhiều việc phải làm nếu muốn triển khai năm 2022

Việc đầu tiên và có thể làm ngay là các đơn vị phụ trách công tác cán bộ phải phân loại các bản kê khai TSTN mà mình đang quản lý theo các nhóm cụ thể để bàn giao cho cơ quan kiểm soát TSTN có thẩm quyền.

Tuy nhiên, tới nhiệm vụ rất mới là xác minh TSTN theo lựa chọn ngẫu nhiên thì tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết nhiều khả năng phải đợi hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngoài ra, các cơ quan kiểm soát TSTN còn phải xây dựng kế hoạch xác minh hằng năm.

Theo Nghị định 130, kế hoạch xác minh hằng năm phải được người đứng đầu cơ quan kiểm soát TSTN ban hành trước ngày 31-1 hằng năm. Kế hoạch phải bao quát tối thiểu 20% tổng số cơ quan, đơn vị nằm trong thẩm quyền quản lý của mỗi cơ quan kiểm soát TSTN (với các đơn vị thuộc các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính là 10%). Trong số này tiếp tục lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức được xác minh.

Ở thời điểm đầu tháng 4 này, quy định về thời hạn xem ra không còn khả thi để tiến hành xác minh TSTN cho năm 2022. •

Kê khai lần đầu rộng, kiểm soát tập trung diện hẹp

Con số 1.284.375 người đã kê khai TSTN mà Chính phủ báo cáo tại kỳ họp QH tháng 10-2021 chủ yếu là diện rộng những người phải kê khai lần đầu theo Luật PCTN 2018.

Còn giải pháp xác minh TSTN ngẫu nhiên chỉ áp dụng cho diện hẹp là những người phải kê khai lại hằng năm, gồm: Người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên và người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác do Chính phủ quy định; người có biến động TSTN trong năm quy giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm