Theo đó, thanh niên dưới 18 tuổi ở Việt Nam coi trọng an toàn trên mạng và nhận thức được rủi ro họ sẽ gặp phải trên Internet. Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam rất tự tin là bản thân sẽ không trở thành nạn nhân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 74% đồng ý rằng trẻ vị thành niên có rủi ro bị lạm dụng tình dục hoặc lợi dụng trên mạng, 41% nghĩ bạn bè mình tham gia vào các hành vi nguy hiểm trên mạng nhưng 71% tin rằng bắt nạt và lạm dụng trên mạng sẽ không xảy ra với họ.
Có tới 75% nói rằng họ sẽ nhờ cha mẹ hoặc người chăm sóc hỗ trợ nếu họ cảm thấy bị một người nào đó đe dọa hoặc họ cảm thấy không an toàn trên mạng. 73% nói rằng họ sẽ nhờ bạn bè và 45% nói họ sẽ nhờ thầy cô giáo.
Thanh niên Việt Nam tin tưởng sự trợ giúp của nhà trường. Ảnh: minh họa
Có tới 92% thanh niên 18 tuổi được khảo sát nói rằng bảo vệ an toàn và thông tin cá nhân trên mạng là quan trọng. 94% tự tin về hành vi của mình và nói họ cảm thấy thoải mái trên mạng. 91% nói biết cách phòng tránh nguy hiểm và các tình huống rủi ro trên mạng và 76% nói đã học cách đối phó với những người đưa ra các nhận xét và yêu cầu về tình dục không mong muốn trên mạng.
Ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF Việt Nam, cho rằng: “Một điều đáng chú ý là chưa đến một nửa thanh niên Việt Nam tìm sự trợ giúp của thầy cô giáo khi các em bị đe dọa trên mạng.
Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về an toàn trên mạng cho trẻ em. An toàn trên mạng nên được đưa vào giáo trình giảng dạy trong nhà trường. Trường học cũng cần có chuyên gia tư vấn và một hệ thống hỗ trợ giữa học sinh với nhau để giúp cho các em đang có trải nghiệm tiêu cực trên mạng”.
UNICEF cùng với Liên minh Toàn cầu WePROTECT, đang kêu gọi các Chính phủ xây dựng cơ chế ứng phó phối hợp để có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn khỏi bị xâm hại và bóc lột tình dục trên mạng.