1. Mới đây nhất, vụ án kiểm lâm bắn chết lâm tặc tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắc Lắk), việc áp dụng chế định "phòng vệ chính đáng" không được cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất ngay từ đầu, gây bức xúc dư luận. Trong quá trình thụ lý vụ án, cơ quan điều tra và VKS đều cho rằng, kiểm lâm Ngô Nhật Thành có tội, hành vi nổ súng gây chết người là "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng". Phiên tòa sơ thẩm phải hoãn xử một lần.
Tới ngày 30/5/2011, tức sau hơn 1 năm rơi vào vòng tố tụng, VKSND tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định đình chỉ vụ án và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Ngô Nhật Thành, nguyên là cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn.
Rừng bị tàn phá, nhưng kiểm lâm ôm súng nhiều khi chỉ để "cho đỡ sợ" vì sợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Điều đáng nói trong vụ án này, suốt một năm, cơ quan tố tụng địa phương đều cáo buộc hành vi của kiểm lâm Thành là phạm tội. VKSND tỉnh truy tố Ngô Nhật Thành (sinh năm 1986, kiểm lâm viên VQG Yok Đôn) về tội "giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng". Vụ việc sơ lược như sau: chiều 12/4/2010, Trạm kiểm lâm số 7 (VQG Yok Đôn) cử tổ công tác gồm Ngô Nhật Thành và một số người khác mật phục tại tiểu khu 429.
Đến 5 giờ ngày 13/4, tổ công tác phát hiện nhiều đối tượng vận chuyển gỗ ra ngoài. Nhóm lâm tặc dùng đá, gậy hung hãn tấn công lại tổ kiểm lâm. Tình thế nguy hiểm, kiểm lâm viên Ngô Nhật Thành lấy súng AK bắn hai phát lên trời và xuống đất nhưng nhóm lâm tặc vẫn xông vào tấn công. Ngô Nhật Thành lên đạn tiếp thì tên Bằng chạy đến gần, vung dao toan chém. Không thể ngăn cản, Thành hướng nòng súng về phía đối tượng bóp cò khiến người này chết tại chỗ.
Trước đây, kiểm lâm viên Hoàng Minh Huệ ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cũng hầu tòa với tội danh tương tự khi nổ súng phòng vệ trước một tên lâm tặc khét tiếng. Sau rất nhiều gian truân, nhiều cáo buộc theo hướng có tội, cuối cùng, tòa xác định hành vi kiểm lâm Huệ là "phòng vệ chính đáng".
2. Kiểm lâm, cảnh sát, bộ đội biên phòng, hải quan, trong quá trình làm nhiệm vụ, được sử dụng súng, công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật. Nhưng giữa việc được trang bị, sử dụng súng với nổ súng gây chết người, quá nhiều vấn đề gây tranh cãi ngay trong cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu áp dụng chế định "phòng vệ chính đáng", người thi hành công vụ không bị coi có tội. Ngược lại, họ sẽ bị truy cứu hình sự, bị coi là tội phạm.
Tuy nhiên, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong thực tế khá mong manh cả về khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là người thi hành công vụ trong trường hợp bí bách, không đủ thời gian để xác định việc làm của mình đã đến giới hạn chưa hay còn phải chờ. Sự lưỡng lự có thể chỉ ít giây thôi, tội phạm ngay lập tức đã cướp sinh mạng của chính người thi hành công vụ. Nhưng nếu quyết định nổ súng sớm, họ dễ bị khép tội vì khi xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ luận tội ở các chi tiết này. Chủ quan là chính trong phán xét, đánh giá của cơ quan tố tụng.
Ranh giới mong manh và sự phức tạp trong cách nhìn nhận nói trên đang thực sự làm bó tay người thi hành công vụ. Kiểm lâm, cảnh sát, bộ đội biên phòng, hải quan được trang bị vũ khí, bị tội phạm tấn công, uy hiếp tính mạng nhưng vì lo sợ nổ súng sẽ phạm tội, sẽ "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" khiến nhiều khi có cảm giác như họ trang bị vũ khí chỉ để… tạo dáng! Đây là mâu thuẫn đang tồn tại phổ biến chưa được tháo gỡ.
3. Điều 15 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: "Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên".
Phòng vệ chính đáng là một trong những tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi gây thiệt hại. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm và được quy định tại Điều 15 BLHS. Trong lịch sử Luật hình sự Việt Nam, phòng vệ chính đáng đã được đề cập đến trong các văn bản khác nhau, cụ thể là Chỉ thị số 07/TATC ngày 22/12/1983 và Nghị quyết số 02/HĐTP - TANDTC/QĐ ngày 5/1/1986.
Quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng ở Đắk Lắk trong vụ kiểm lâm Ngô Nhật Thành bắn chết lâm tặc.
Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS quy định việc phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
- Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
4. Trở lại các vụ việc xảy ra gần đây, rõ ràng việc áp dụng chế định "phòng vệ chính đáng" còn rất khác nhau. Nguyên do ở sự nhận thức mỗi cấp, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng. Có nhiều sự việc cho thấy, cơ quan tiến hành tố tụng phán xét khá khắt khe, nặng về câu chữ, các dữ liệu, hành vi mà không tính đến yếu tố tâm lý, bối cảnh vụ việc. Như vụ kiểm lâm Ngô Nhật Thành bắn chết lâm tặc tại VQG Yok Đôn khiến kiểm lâm này rơi vào lao lý hơn một năm trước khi được tuyên vô tội.
Trong vụ việc này, xét về hành vi, kiểm lâm Thành đang thi hành công vụ, bị nhóm lâm tặc tấn công, dùng dao uy hiếp. Trước khi nổ súng bắn chết đối tượng, Thành cũng bắn cảnh cáo nhưng một đối tượng tiếp tục dùng dao xông vào toan chém. Việc nổ súng trong bối cảnh đó là cần thiết và không nên xét chi li quá mức bởi nếu chậm trễ ít giây, có thể tính mạng của chính kiểm lâm đã khó thoát khỏi nhát chém của lâm tặc.
Trong khoảnh khắc như vậy, lại ở tâm lý căng thẳng, ranh giới cái chết mong manh, việc nổ súng hay không nổ súng phải là quyết định tức thời, trước hết nhằm bảo vệ chính tính mạng của mình (kiểm lâm) chứ không phải là có thời gian dài "ngâm cứu" xem đã đến mức phòng vệ chính đáng chưa.
Một vấn đề quan trọng nữa, chính là sự xâm hại khách thể đặc biệt: người thi hành công vụ, cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Luật pháp có tôn nghiêm không khi kẻ phạm tội lại ngang nhiên chống lại lực lượng bảo vệ pháp luật, ngang nhiên dùng vũ khí tấn công mà kiểm lâm, cảnh sát, bộ đội biên phòng dù được trang bị vũ khí lại không dám nổ súng?
Trong tình thế cấp thiết, nhằm ngăn chặn, trấn áp tội phạm, một lực lượng bảo vệ pháp luật phải khẳng định được sức mạnh ngay trong quyết định sử dụng vũ lực, vũ khí để bảo đảm trật tự và bảo vệ ngay chính lực lượng của mình.
Một kiểm lâm hay sĩ quan biên phòng, cảnh sát, hải quan, trang bị vũ khí trong tay mà để tội phạm manh động đuổi đánh, tấn công, thì đó là sự yếu thế không phải của chính chiến sĩ, sĩ quan đó. Yếu thế ở phạm vi rộng hơn. Luật pháp không mở quá mức trong trường hợp này, nhưng nếu cứ khắt khe, bó buộc, tức chúng ta đang tự trói chân mình.
Người bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Nhưng khi họ vì nhiệm vụ, vì tính mạng chính mình và người khác mà gây thiệt hại, ai bảo vệ nếu không bắt đầu từ chính hành lang pháp lý? Trong xử lý vụ việc, cơ quan tiến hành tố tụng cần có cách nhìn nhất quán ngay từ đầu.
Các vụ án nêu trên, dù sau đó tòa án tuyên vô tội nhưng hành trình để được vô tội thực sự gập gềnh, không ít kiểm lâm, cảnh sát, bộ đội biên phòng, hải quan rơi vào vòng lao lý, tổn thất quá nhiều về tinh thần, vật chất.
Lâm tặc coi thường vì biết kiểm lâm có súng nhưng không dám bắn Có thực tế đáng lo ngại là lâm tặc hiểu rằng, kiểm lâm được trang bị súng nhưng không dám bắn. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 47/CP và Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cũng có văn bản về quy chế quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng theo quy định của pháp luật, kiểm lâm chỉ được sử dụng vũ khí trước hết là bắn cảnh cáo để ngăn chặn hành vi. Nếu bắn cảnh cáo mà các đối tượng không tuân lệnh thì được phép nổ súng trong một số trường hợp cấp thiết. Tôi thấy rằng, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi nổ súng còn rất mỏng manh. Thực tế cho thấy, khi cán bộ kiểm lâm buộc phải nổ súng vào đối tượng, làm đối tượng chết thì thường phải hầu tòa. Nếu bị tấn công, nguy hiểm tính mạng mà không được nổ súng thì họ phải làm sao để bảo vệ mình? (Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim) |
Theo Phan Đăng (Cảnh sát toàn cầu tuần số 61)