Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Ai cũng ôm quyền thì làm sao cải cách!”

“Có một thực tế là ở nhiều nơi người ta phải phong bì mỗi chỗ một ít, rất khó chịu. Chi phí không chính thức gây tốn kém, mất cơ hội đầu tư”. Thực tế nhức nhối này được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi mở đầu cuộc họp của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng ngày 2-1.

Một thực tế khác được Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Ai cũng ôm quyền vào mình, từng bộ, từng ngành cứ ôm mãi quyền thì làm sao cải cách hành chính được. Làm sao để các bộ không sợ mất lợi ích của mình? Người dân vẫn kêu nhiều về TTHC trong đất đai, xây dựng, đầu tư. Đây là những lĩnh vực đụng chạm nhất…”.

DN muốn công khai hóa chuyện phong bì

Tiếp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông thẳng thắn: “Phải chi phong bì rải rác, doanh nghiệp (DN) rất khó chịu. Nhưng nhiều khi họ còn băn khoăn “mất tiền nhưng có được việc hay không?””.

Người dân vẫn kêu nhiều về thủ tục hành chính trong đất đai, xây dựng, đầu tư. Ảnh minh họa: HTD

Theo ông Đông, qua khảo sát cho thấy nhiều DN muốn nộp cho cơ quan nhà nước 5-10 triệu đồng khi xin cấp phép. Nhưng số tiền này là nộp công khai, có hóa đơn chứng từ để họ mang về. Như vậy DN thấy thoải mái. Tiền này là để bồi dưỡng công khai cho những người thực thi nhiệm vụ. Đây được coi là thu nhập đàng hoàng, lành mạnh. Đổi lại, TTHC được giải quyết nhanh gọn chứ không phải “một cửa mà nhiều ngách” như hiện nay.

“Một số tỉnh phía nam muốn thu phí khi thực hiện TTHC. Tuy nhiên, điều này là trái quy định. Vì là cơ quan hành chính nhà nước thì phải có nhiệm vụ thực hiện các việc hành chính cho người dân. Dù thực tế cho thấy thu phí đối với hoạt động này thì công việc có nhanh hơn nhưng điều này cần phải nghiên cứu” - ông Trần Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết thêm.

Dẹp bỏ chuyện “một cửa nhiều ngách”

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, kết quả rà soát TTHC cho thấy nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án đầu tư có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường. Cơ chế một cửa đang thực hiện ở một số địa phương mới thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND tỉnh, TP để được giải quyết lần lượt TTHC theo quy định của các luật khác nhau. “Đa số địa phương có “một cửa nhưng nhiều ngách”. DN nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư vào Sở KH&ĐT nhưng liên quan đến quy hoạch, sở này lại chỉ sang Sở Quy hoạch Kiến trúc và với các mảng khác cũng vậy. Cùng với đó, DN còn phải chạy nhiều giấy phép con nữa. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng Nhà nước nắm trong tay, tại sao lại phải đẩy DN đi xin” - ông Đông dẫn chứng.

Để đơn giản hóa TTHC trong hoạt động đầu tư, Bộ KH&ĐT đề xuất hoàn thiện cơ chế một cửa trong giải quyết các TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng: Quy định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư gồm dự án đầu tư và tài liệu theo quy định về đất đai, xây dựng… Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chịu trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan để thực hiện từng thủ tục khác nhau. Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng đủ điều kiện, cơ quan quản lý đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Cần phải làm tốt một cửa liên thông ở địa phương theo hướng hiện đại. Khi cấp phép đầu tư, liên quan đến các ngành như đất đai, xây dựng… thì Sở KH&ĐT phải làm việc với các cơ quan này. Việc này giúp người dân bớt phải đi lại nhiều cửa” - ông Trần Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng tình.

 

Nhiều nơi thành lập tổ liên ngành với mục đích là để giải quyết công việc nhanh hơn. Nhưng ở nhiều tổ lại toàn nhân viên, các quyết định đều phải xin ý kiến lãnh đạo. Thành ra ở đó là “một cửa nhưng nhiều khóa”.

Cũng có thực tế là nhiều ngành vẫn còn giành việc của nhau. Cấp bộ còn ôm nhiều việc. Do đó cần phân cấp mạnh. Phân cấp cho địa phương là giảm tiêu cực, giảm thời gian cho DN. Đừng cho rằng địa phương làm không tốt mà ôm việc về trung ương.

Ông NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

Trong lĩnh vực đầu tư, TP.HCM liệt kê có 100 vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Nhiều việc địa phương phải tham vấn ý kiến của trung ương nhưng việc phúc đáp thường chậm. Có trường hợp địa phương nhắc tới ba lần mà vẫn chưa thấy cấp trung ương có phản hồi.

UNG THỊ XUÂN HƯƠNG,  Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

 HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới