Người mất cũng không yên
Vài năm trước, một người hàng xóm của tôi qua đời. Gia đình bốn người, anh là trụ cột trong nhà, mất đi để lại vợ và hai con thơ. Hoàn cảnh khó khăn, việc ma chay, mua đất nghĩa trang ngốn gần hết số tiền tích cóp của gia đình. Vì vậy phần đất người chồng nằm chưa được xây mộ, chỉ xơ xác một gò đất lồi lên và bài vị.
Thời gian sau, khi đã xoay sở được tiền bạc, người vợ cùng vài thợ xây đến nghĩa trang thì chứng kiến gò đất kia đã bị lấp lên bởi đất, đá, gạch, ngói, rác, cỏ… hẳn là xà bần xây dựng lẫn những gì thải ra từ những người viếng mộ khác. Người vợ khụy xuống bên mộ chồng, khóc, xóm nghèo của tôi ai cũng biết chuyện ấy.
Thỉnh thoảng đi tảo mộ, bắt gặp một gò mộ tan hoang vì xà bần, rác rưới mà vài người "vô ý" để quên, tôi lại cố không nhớ lại hình ảnh người vợ ôm gò mộ của chồng mà khóc ngày ấy.
Một sự việc khác, thường thấy hơn, đó là khi con cháu đi tảo mộ bắt gặp bình hoa, lư hương dù đã dán keo nhưng vẫn nằm lăn lốc, hoặc mất hẳn khỏi mộ phần. Đối với những ngôi mộ có hàng rào và cổng thì việc cổng rào không cánh mà bay là quá thường xuyên. Tổn hại về mặt vật chất không đáng là bao nhưng tổn hại về mặt tinh thần có lúc chẳng đo đếm được. Có hay không một quy định về quản lý nghĩa trang được ứng dụng nghiêm túc?
Ảnh minh họa
Đã có Luật, nhưng…
Năm 2016, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Theo đó, các nghĩa trang đang hoạt động hoặc đã đóng cửa phải được định kỳ chăm sóc, bảo quản, gìn giữ phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang; bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.
Song song đó, Nghị định cũng quy định các nghĩa trang phải có quy chế quản lý; các quy định về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang… quy định về hoạt động lễ nghi, chỉ dẫn khách thăm viếng, tưởng niệm… Tóm lại, theo luật, một nghĩa trang để hoạt động cần có một quy chế quản lý hợp lý và có giám sát bởi ban quản lý nghĩa trang.
Như vậy, chỉ cần có một ban quản lý và đôi dòng nội quy như "Không xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến các phần mộ", "Gây tổn hại đến các phần mộ phải liên hệ với ban quản lý nghĩa trang"… thì hẳn vấn nạn trên cũng được giảm bớt rồi.
Trên thực tế, ngoài nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang có tính chất tôn giáo hoặc các nghĩa trang quy mộ lớn được quản lý một cách nghiêm ngặt, đa số các nghĩa trang khác đều bị buông lỏng.
Từ việc không được quản lý, nghĩa trang còn trở thành nơi làm ăn, trục lợi của nhiều người. như dịch vụ lau mộ vài phút với giá vài trăm ngàn, bán hoa, trái cây, đồ cúng giá trên trời, muốn xây dựng mộ phải được một vài “thành phần” đảm nhiệm vai trò trung gian ở khâu giấy tờ thậm chí thầu luôn.
Gia đình có điều kiện thì thôi, còn với người nghèo khó đây cũng là cả một gánh nặng thêm vào giữa những lo toan cơm áo gạo tiền.
Nếu có một quy chế quản lý lẫn các mức phí dịch vụ được niêm yết một cách minh bạch, công khai thì ai còn dám trục lợi ở nơi này? Hiện nay đang có những công viên nghĩa trang được sắp xếp chỉn chu, quản lý tốt mọc lên. Có lẽ khi đó người sống lẫn người đã khuất sẽ được “yên” ơn. Có điều, chuyện đó còn xa và cần nhiều tiền. Còn hiện tại, làm sao để người sống có thể tới tảo mộ người thân với một tâm trạng yên bình, không phải đau lòng, ấm ức dù chân đã bước xa khỏi nơi ấy.