Ngày 25-8, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma sau nhiều ngày xét xử và tranh luận.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tòa phạt cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu.
Cùng tội này, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bị phạt năm năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bốn năm tù, Phan Cẩm Loan (cán bộ VN Pharma) ba năm sáu tháng tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) ba năm tù.
Bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) một năm sáu tháng tù, Hoàng Văn Thông (dược sĩ) hai năm án treo, Phạm Anh Kiệt (tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) hai năm án treo, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: HY
HĐXX nhận định bị cáo Hùng và Cường đã bàn bạc, thỏa thuận nhập thuốc, cụ thể đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix Pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. CQĐT Bộ Công an xác định từ năm 2013 đến 19-9-2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500 mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251.000 USD.
Bị cáo Hùng không tiến hành xem xét tính chính xác của các tài liệu thuốc mà đã chỉ đạo nhân viên làm thủ tục nhập; biết rõ nguồn gốc, xuất xứ không đạt chuẩn vẫn nhập thuốc về bán. Hùng có vai trò tích cực nhất khi phạm tội buôn lậu, luật sư cho rằng không có ý thức buôn lậu là không chính xác. Để thực hiện việc buôn lậu, Hùng đã có hàng loạt hành vi mới có thể nhập thuốc có điều kiện chặt chẽ. Ngay sau khi nhập thuốc, nghe lô hàng không đạt chuẩn Hùng đã niêm phong và báo cáo rồi đem đi giám định, không để thuốc bán ra ngoài.
Còn bị cáo Cường có bàn bạc, thỏa thuận nâng khống giá thuốc, giúp Hùng buôn lậu số thuốc trên. Việc luật sư đề nghị trả hồ sơ giám định lại chất lượng thuốc là không cần thiết bởi các bị cáo đang bị truy tố, xét xử về hành vi buôn lậu.
Theo tòa, vụ án chưa gây hậu quả vì lô thuốc chưa đưa ra thị trường, đây là tình tiết để xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo. Xét vai trò và tính chất của hành vi phạm tội, mức án dành cho hai bị cáo Hùng, Cường phải là ngang nhau.
Các bị cáo Nhật, Loan, Quốc, Phương là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, tuy nhiên các bị cáo đã theo chỉ đạo của Hùng làm giả một số giấy tờ. Hành vi của các bị cáo chưa gây ra hậu quả, vì vậy cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo này.
Trong vụ án này, TAND TP.HCM đã nhiều lần trả hồ sơ làm rõ vai trò của các cá nhân liên quan, tuy nhiên VKSND Tối cao đã không phê chuẩn vì cho rằng hành vi những người ngày chưa đủ căn cứ để truy tố. HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét hành vi của Phan Xuân Thiện và Hoàng Trúc Vi có dấu hiệu sai phạm. Kiến nghị làm rõ hành vi chi hoa hồng của các cá nhân.
Với các cán bộ Cục Quản lý dược Bộ Y tế, tòa kiến nghị nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định. Cụ thể, những cán bộ Cục Quản lý dược đã hoàn toàn không phát hiện Công ty Austin (Hong Kong), đơn vị bán thuốc cho VN Pharma, đã hết hạn giấy phép hoạt động. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu” rồi đề xuất Cục Quản lý dược ký duyệt, cấp phép cho VN Pharma nhập hàng.
Tuy nhiên, với các sai phạm này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh doanh dược phẩm…