Ngày 30-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKS cùng cấp tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại vụ buôn lậu, làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu tại Công ty CP VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng (tổng giám đốc) cùng đồng phạm thực hiện.
Theo HĐXX, đây là vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, bức xúc, rất nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo chưa toàn diện, bỏ lọt người, lọt tội và hình phạt chưa nghiêm.
Phải xác định lại tội danh
HĐXX nhận định án sơ thẩm xử phạt đối với các bị cáo về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội. Từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình.
Cụ thể, để nhập khẩu được lô thuốc H-Capita 500 mg về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả như giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Bộ Y tế Canada được hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Các giấy tờ này theo kết quả điều tra Bộ Công an xác định đều là giả.
Ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. Qua điều tra xác định đây là thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kiểm nghiệm. Bản thân Võ Mạnh Cường cũng thừa nhận không biết loại thuốc này sản xuất ở đâu.
Theo HĐXX, kết luận giám định thuốc của Bộ Y tế là chưa khách quan, chưa phù hợp, chưa rõ nên cần giám định lại như phân tích của VKS cùng cấp. Bản kết luận giám định thuốc của Bộ Y tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội các bị cáo nhưng có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt là sự vô lý khi thành viên hội đồng giám định do ông Đỗ Văn Đông, chủ tịch hội đồng giám định, đồng thời cũng là cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita.
Điều 2 Luật Dược năm 2005 và Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”. Tại khoản 24 Điều 2 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất, có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký, có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.
Theo HĐXX, việc xác định lại tội danh các bị cáo phải được xem xét đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác nên kháng nghị của VKS là phù hợp. Ý chí của các bị cáo là buôn bán hàng giả vì đã bán tân dược không rõ nguồn gốc, làm giả bao bì, nhãn hiệu thuốc. Tòa sơ thẩm xét xử tội buôn lậu là chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án. Đặc biệt, cần giám định lại để đảm bảo xác định đúng bản chất vụ án, tội danh trên cơ sở đó mới có đường lối xử lý vụ án được đúng pháp luật.
Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bị cáo Hùng và Cường bị dẫn giải ra xe về trại giam. Ảnh: HOÀNG GIANG
HĐXX phân tích để nhập lô thuốc H-Capita, Hùng đã chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) thuê bị cáo Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc và làm giả một loạt giấy tờ, đóng con dấu Công ty Helix giả. Cường bàn bạc với Hùng, đồng thời chỉ đạo các nhân viên nâng khống giá thuốc trong hóa đơn thanh toán để VN Pharma làm thủ tục hải quan nhập lô thuốc. “Hành vi này của Hùng và đồng phạm đã thỏa mãn các dấu hiệu tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc cấp sơ thẩm không xử các bị cáo Hùng, Cường, Duy… về tội này là lọt tội” - bản án nhận định.
Cạnh đó, các bị cáo thuê dược sĩ viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, sử dụng tài liệu, con dấu để làm hồ sơ xin nhập khẩu thuốc không rõ nguồn gốc nhưng chỉ xử tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức cũng là bỏ lọt tội phạm khi họ biết rõ việc nhập thuốc này.
HĐXX cũng cho rằng cần điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của ông Phan Xuân Thiện (phó tổng giám đốc VN Pharma) và Hoàng Trúc Vy (nhân viên VN Pharma). Vì cả hai đều biết VN Pharma sử dụng con dấu giả và tham gia thuê người làm giả hồ sơ nhập khẩu nhưng không bị xem xét.
Cục Quản lý dược tắc trách, thiếu sót
HĐXX xác định các bị cáo có thể nhập lậu thuốc không rõ nguồn gốc là xuất phát từ việc tắc trách của cán bộ, lãnh đạo của Cục Quản lý dược. Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành đối với bảy loại thuốc khác. Sau khi vụ án bị phát hiện, Cục Quản lý dược mới thu lại giấy phép đã cấp trước đó.
Tại phiên xử phúc thẩm, khi được hỏi thì ông Đỗ Trung Hưng (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nhiều lần nói rằng việc cấp các giấy phép này là đúng. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng trước khi cấp phép thì hội đồng thẩm định phải truy xuất nguồn gốc thuốc.
Theo HĐXX, việc truy xuất nguồn gốc thuốc là bắt buộc nhưng hội đồng thẩm định đã không làm khi cấp phép là sai phạm nghiêm trọng. Hồ sơ thẩm định không ghi ngày, tháng, năm và có ba chuyên gia không ký tên. Để xác định tính hợp pháp của hồ sơ thẩm định thì cần lấy lời khai của ba chuyên gia này. Việc cán bộ Cục Quản lý dược nói rằng không cần thiết là không đúng với quy định nên cần phải làm rõ.
Bị cáo Cường đưa ra chứng cứ mới nói rằng Helix Canada là công ty có thật và Cường là đại diện ủy quyền tại Việt Nam. Thế nhưng Bộ Ngoại giao đã có công văn trả lời công ty này là không có thật. Để làm rõ tính khách quan thì cần phải làm rõ Công ty Helix Canada là công ty nào và đại diện ủy quyền tại Việt Nam là như thế nào. Từ đó mới có biện pháp xử lý trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho Helix Canada hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời cần làm rõ việc cấp phép bảy loại thuốc mà Cục Quản lý dược đã làm trước đó. HĐXX cho rằng chính việc làm tắc trách của lãnh đạo Cục Quản lý dược đã tạo điều kiện cho nhóm bị cáo làm việc phi pháp, trái đạo đức, y đức và chuẩn mực xã hội khi kinh doanh các sản phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là người bệnh ung thư.
Làm rõ số tiền là vật chứng
HĐXX cũng cho rằng cần phải làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng là chi hoa hồng cho những lô thuốc nào vì lô thuốc bị phát hiện có giá trị 5 tỉ đồng mà chi hoa hồng tới 7,5 tỉ đồng là không phù hợp. Cần điều tra làm rõ những người có liên quan trong việc chi 7,5 tỉ đồng hoa hồng.
Số tiền 7,5 tỉ đồng và 10.000 USD là tang vật vụ án, tuy nhiên tòa sơ thẩm không tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước, đây là một thiếu sót nghiêm trọng trong công tác xét xử. Ngoài ra, số tiền 157 tỉ đồng cần làm rõ có phải là tiền thu lợi bất chính hay không, nếu là tiền phi pháp thì cần tịch thu, sung quỹ nhà nước.
Cuối cùng, HĐXX nhấn mạnh các bị cáo thực hiện một chuỗi hành vi xâm phạm nhiều khách thể pháp luật bảo vệ nên chấp nhận kháng nghị VKS hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung cho toàn diện và khách quan.
Pháp Luật TP.HCM từng khẳng định án sơ thẩm sai Ngày 25-8, phiên xử sơ thẩm kết thúc, bốn ngày sau Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích khẳng định tòa xử tội buôn lậu là sai luật mà phải xử tội buôn bán hàng giả mới đúng. Đây là bài viết đầu tiên đưa ra các căn cứ pháp lý phân tích để làm rõ về hành vi phạm tội của các bị cáo. Cùng thời điểm này, báo cũng liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, Ban Nội chính Trung ương, có ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại tội danh. Trên cơ sở sức ép của dư luận VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã rút hồ sơ nghiên cứu và chính thức ký quyết định kháng nghị theo hướng hủy án vào ngày 22-9. Cuối cùng, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị để xét xử lại vụ án toàn diện và khách quan. Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo thì có bị bắt tại tòa? Dư luận thắc mắc nếu cựu tổng giám đốc VN Pharma không kháng cáo thì liệu có bị áp dụng lệnh bắt tạm giam ngay tại tòa sau thời gian được tại ngoại? Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định việc bắt tạm giam bị cáo Hùng và Cường không phụ thuộc vào yếu tố bị cáo có kháng cáo hay không vì VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị. Tòa đã làm đúng luật và đã tính đến việc đảm bảo thi hành án ngay sau khi tuyên án để các bị cáo không trốn tránh hoặc tạo ra các tình huống khác như bệnh tật, tai nạn. Cạnh đó, HĐXX đã đề nghị xem xét trách nhiệm pháp lý của người khác và tội danh khác nên việc bắt tạm giam còn là phục vụ công tác điều tra… |