Đầu giờ chiều ngày xét xử phúc thẩm (23-10) vụ VN Pharma, trước khi HĐXX phúc thẩm tiếp tục phần xét hỏi, lực lượng công an đã bất ngờ xuất hiện và đọc lệnh bắt tạm giam 90 ngày đối với hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường.
Lệnh bắt tạm giam này do phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM ký. Đây được xem là tình huống pháp lý có nhiều ý kiến trái chiều mà Pháp Luật TP.HCM đã có bài phân tích.
Sáng nay (30-10), TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án, điều tra xét xử lại đối với vụ án này, đồng thời tiếp tục bắt tạm giam hai bị cáo để phục vụ điều tra.
Lực lượng chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam bị cáo Hùng ngày 23-10. Ảnh: H.GIANG
Liên quan đến tình huống này, nhiều bạn đọc có thắc mắc: Trong vụ án VN Pharma nếu cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo xin xem xét lại thì liệu có bị áp dụng lệnh bắt tạm giam trên sau thời gian được tại ngoại điều tra xét xử từ tháng 3-2017?
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định việc bắt tạm giam không phụ thuộc vào yếu tố bị cáo này có kháng cáo hay không. Tòa đã làm đúng luật trong việc bắt tạm giam hai bị cáo này. Trong vụ án này HĐXX đã tính đến việc đảm bảo thi hành án ngay sau khi tuyên án để đảm bảo các bị cáo không trốn tránh hoặc tạo ra các tình huống khác như bệnh tật, tai nạn.
Thêm vào đó là vụ này còn xem xét trách nhiệm pháp lý của người khác và tội danh khác nên việc bắt tạm giam còn là để đảm bảo công tác điều tra.
LS Công nhấn mạnh: hoàn toàn không có gì sai hay bất thường trong việc ra lệnh bắt tạm giam hai bị cáo này tại phiên phúc thẩm. Với phiên tòa phúc thẩm bản án sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Tức bị cáo sẽ chuyển thành bị án kể từ khi lời tuyên án cuối cùng chấm dứt. HĐXX có toàn quyền xác định bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án nên đã ra lệnh bắt tạm giam đối với hai bị cáo là hoàn toàn đúng với quy định pháp luật đã nêu trên.
Giả sử, vụ án sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì đó là các thủ tục thực hiện sau khi vụ án được ban hành bản án phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật. Lúc này, việc đúng sai của bản án phúc thẩm là do HĐXX chịu trách nhiệm với pháp luật và với chính bị cáo. Nếu cấp giám đốc thẩm, tái thẩm xác định do lỗi chủ quan của HĐXX phúc thẩm gây ra việc tuyên sai bản án phúc thẩm, gây oan sai cho các bị cáo thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Nhà nước, áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để xử lý và truy cứu lại trách nhiệm với các cá nhân cụ thể trong HĐXX. Còn ngay tại giai đoạn này thì HĐXX hoàn toàn thực hiện đúng quy định của pháp luật.