Sau thời gian nghiên cứu hồ sơ, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đã ra quyết định đưa vụ án Nguyễn Hải Nam (cựu phó chánh án TAND quận 4, TP.HCM) xâm phạm chỗ ở người khác ra xét xử công khai vào ngày 3-9 tới.
Bị cáo Nam và Lâm Hoàng Tùng (cựu giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) cùng bị truy tố tội xâm phạm chỗ ở người khác.
Hai bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 158 BLHS 2015, có khung hình phạt 1-5 năm tù. Vụ án được khởi tố vào cuối tháng 9-2019. Ngày 1-10-2019, cơ quan tố tụng khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nam và ông Tùng.
Thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn, Phó chánh tòa, làm chủ tọa phiên tòa. Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên toà là kiểm sát viên Nguyễn Quang Duyệt.
Trước đó, bị cáo Tùng có bảy luật sư và bị cáo Nam có năm luật sư bào chữa. Tuy nhiên được biết hiện có luật sư từ chối tham gia bào chữa. Phía bị hại cũng có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tại toà.
Phiên toà ngày 14-8 trước đó phải hoãn xử do Toà hình sự chuyển hồ sơ vụ án sang toà chuyên trách khác như trên.
Cáo trạng của VKSND xác định bị cáo Nam không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Hai bị cáo Tùng, Nam bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.
Ông Nam và Tùng khi bị bắt giữ. Ảnh: T.C
Theo hồ sơ, vụ án xuất phát từ tranh chấp hợp đồng mua bán căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM giữa bà Hoàng Thị Thu Thảo (quận Bình Thạnh, TP.HCM) với bà Hoàng Trọng Anh Chi. Tuy nhiên, quá trình mua bán, hai bên xảy ra tranh chấp và đã khởi kiện nhau ra tòa.
Từ tháng 3-2019, bà Thảo cùng các con nhỏ sinh sống trong căn nhà này. Chiều 19-9-2019, khi bà Thảo không ở nhà, ông Tùng - người được bà Chi ủy quyền giải quyết các tranh chấp căn nhà này, cùng bạn là ông Nam và bà Nguyễn Thị Hương Tâm cùng nhiều người khác xông vào nhà dùng vũ lực gây sức ép, buộc những người trong nhà phải ra khỏi nhà rồi chiếm giữ đến ngày 28-9-2019.
Trong quá trình điều tra, hai bị can này giữ quyền im lặng, không thừa nhận hành vi phạm tội và từ chối khai báo các tình tiết có liên quan. Còn người thân của bị can gửi đơn cầu cứu và luật sư đề nghị đình chỉ vụ án vì cho rằng hành vi của thân chủ không cấu thành tội phạm.
VKSND TP.HCM cho rằng dù hai bị can không nhận tội nhưng chứng cứ là dữ liệu camera thu tại hẻm 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi lại đầy đủ những hành vi của các bị can đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Ngoài hành vi này, VKS cho rằng Nam, Tùng và Tâm còn có hành vi bế ba đứa con của bà Thảo đi ra khỏi nhà đưa lên taxi nhưng chưa đủ căn cứ để xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật (Điều 157 BLHS) hoặc chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS).
Riêng bị can Nguyễn Thị Hương Tâm thì hiện đang bị truy nã nên cơ quan tố tụng tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được xử lý sau.
Được biết đầu tháng 8, CQĐT có thông báo trả lời đơn kiến nghị thay đổi biên pháp ngăn chặn của luật sư bào chữa cho ông Nam từ tháng 10-2019 đến tháng 4 năm nay.
CQĐT cho rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với ông Nam đã được VKS hai cấp phê chuẩn. Đơn kiến nghị của luật sư không thuộc trường hợp xem xét, giải quyết của CQĐT.
Đồng thời trao đổi, luật sư của ông Tùng, ông Nam cùng cho rằng việc buộc tội thân chủ mình theo cáo trạng không thuyết phục.
(PLO)- Hà Quốc Việt bị toà tuyên mức án cao nhất mà đại diện VKS đề nghị tại phiên xử.