Theo thông báo của Bộ NN&PTNT gửi Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sau khi có công văn khẩn cấp của VPA gửi trực tiếp cho bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đã có buổi làm việc ngay với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam chiều 16-3-2017. Sau buổi làm việc, hai bên đã thống nhất cùng gỡ bỏ một số lệnh cấm nhập khẩu một số nông sản của hai nước mới ban hành đầu tháng 3-2017 vừa qua.
Ngày 7-3 vừa qua, hiệp hội đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp về việc tạm dừng cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam. Lý do, có văn bản của Ấn Độ thông báo về việc yêu cầu Việt Nam dừng cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật từ ngày 7-3 với sáu mặt hàng, trong đó có hồ tiêu.
Do đó, từ ngày 7-3 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam không dám xuất hạt tiêu đi Ấn Độ mặc dù Cục Bảo vệ thực vật vẫn đồng ý cấp, dẫn đến khả năng thiệt hại lớn do hàng đã đóng container không giao được, hàng đã mua nhập kho chưa xuất được, các hợp đồng ngoại thương đã ký có khả năng bị hủy, số lượng bị dừng xuất ước hàng ngàn tấn.
Thu hoạch tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cùng thời điểm, giá hạt tiêu trên thị trường trong nước đã sụt từ 120.000 đồng xuống dưới 100.000 đồng/kg làm cho tình hình thị trường trong nước và người sản xuất lo lắng. Ấn Độ là thị trường hết sức quan trọng đối với hạt tiêu của Việt Nam. Năm 2016 vừa qua, sản lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ đã đạt trên 11.000 tấn, đứng thứ ba chỉ sau vào Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam của Ấn Độ được dự báo là sẽ có thể đạt 15.000 tấn trong năm 2017.
Theo VPA, những ngày qua các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang rất sốt ruột mong muốn lệnh tạm ngưng nhập khẩu hạt tiêu được chính phủ Ấn Độ sớm gỡ bỏ để các doanh nghiệp thực hiện được các hợp đồng thương mại đã ký với các đối tác.
Trong bối cảnh sản lượng hồ tiêu cả nước tăng cao lại đang vào vụ thu hoạch, quyết định gỡ bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu tiêu từ Việt Nam là tin vui mang lại tác động tích cực cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu tiêu của nước ta. Thời gian qua ngành hồ tiêu Việt Nam đã có được sự tăng trưởng nhanh, diện tích ước đã là 130.000 ha, sản lượng xuất khẩu năm 2016 trên 179.000 tấn, đạt kim ngạch trên 1,4 tỉ USD. Dự kiến sản lượng xuất khẩu năm 2017 sẽ tăng khoảng 15%.
Trước đó, ngày 15-3, Bộ Công Thương đã có công hàm đề nghị phía Ấn Độ tuân thủ thông lệ quốc tế cũng như sớm bãi bỏ việc tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam gồm: hạt cà phê, tre (tăm tre), tiêu đen, quế, đậu và thanh long.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đề nghị chuyển công hàm trên của Bộ Công Thương Việt Nam đến các bộ, ban ngành liên quan của Ấn Độ nhằm xem xét sớm bãi bỏ việc tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng trên của Việt Nam.