Lần cuối cùng New Delhi đứng ra tổ chức các cuộc tập trận đa phương ở vùng biển của mình là vào năm 2007.
Bắc Kinh đã "quan ngại" về động thái này khi cho rằng đây là hình thức liên minh kiểu tổ chức giống NATO ở châu Âu do Mỹ khởi xướng.
Theo tờ CNBC, Thủ tướng Narendra Modi đã báo hiệu về một chính sách an ninh cứng rắn hơn mà theo đó sẽ tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc.
Các nguồn tin trên nói rằng Hoa Kỳ đang triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm hạt nhân cho các cuộc tập trận sắp tới.
Hải quân Ấn Độ cho biết cuộc tập trận sẽ bao phủ một phạm vi rộng với nhiều hình thức diễn tập.
Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường niên. Động thái này có thể khiến Trung Quốc '"quan ngại" (ảnh: CNBC)
"Các hoạt động tập trận được diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các hoạt động chống cướp biển, tấn công, tìm kiếm, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa" - phát ngôn viên hải quân Ấn Độ Sharma nói.
Quyết định mở rộng thành viên tham gia các cuộc tập trận Malabar, theo đó Hoa Kỳ, Ấn Độ cùng với Nhật Bản sẽ tiến hành mỗi năm, được đưa ra sau khi một quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ cân nhắc về việc đưa tàu chiến của mình đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông.
Tokyo đã tham gia vào các cuộc tập trận được tổ chức tại khu vực Thái Bình Dương trong những năm gần đây nhưng ba chính phủ giờ đây đã đồng ý để chính thức hóa các cuộc tập trận sắp tới này, nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ đang triển khai một tàu ngầm cho các cuộc tập trận Malabar cùng với các tàu nổi và máy bay giám sát hàng hải. Nhật cũng vừa đưa một tàu khu trục đến.
Srikanth Kondapalli, giảng viên chuyên Nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói rằng Úc và một số nước Đông Nam Á cũng muốn tham gia vào cuộc tập trận Malabar này.