Ngày 15-12, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì.
Hội nghị còn có sự tham dự của các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM cùng khoảng 500 đại biểu là các chuyên gia kinh tế; các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày sản phẩm tại hội nghị.
Với chủ đề “An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”, hội nghị nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế-xã hội, tiềm năng, thế mạnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh An Giang, qua đó huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững; gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý định tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Một góc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang nhìn từ trên cao.
Thông qua sự kiện, tỉnh An Giang sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; danh mục các dự án có thông tin chi tiết và chính sách ưu đãi gắn với từng danh mục dự án mời gọi đầu tư với mong muốn tiếp tục có những tập đoàn/doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại An Giang, tạo ra sự khởi sắc, sự phát triển cho địa phương, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đặc biệt là nông nghiệp và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh núi Cấm nhìn từ trên cao.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhấn mạnh "An Giang xác định và khẳng định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch vẫn là thế mạnh của địa phương và sẽ quyết tâm biến thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới. Chủ đề của hội nghị hôm nay “Kết nối cơ hội - Hợp tác thành công” như một thông điệp An Giang mong muốn những cơ hội đến được tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và An Giang muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh của địa phương".
An Giang có thế mạnh về nông nghiệp và du lịch. Trong đó lúa, gạo chính là sản phẩm nông nghiệp chủ lực với diện tích canh tác trên 250.000 ha, sản lượng lúa đạt khoảng 3,89 triệu tấn/năm. Mô hình cánh đồng lớn đang được trồng 22.000 ha.
Với địa hình sông nước của An Giang, thủy sản được xem là thế mạnh thứ hai của tỉnh sau cây lúa, trong đó chủ lực là cá tra, cá basa. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 2.700 ha, hằng năm cung cấp cho chế biến xuất khẩu trên 379.000 tấn.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định An Giang luôn ủng hộ và đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo phương châm: “Trách nhiệm, thân thiện, một cửa”; tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Danh mục 60 dự án với thông tin chi tiết và chính sách ưu đãi gắn với từng danh mục dự án mời gọi đầu tư sẽ được công bố với mong muốn tiếp tục có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại An Giang.
Tại hội nghị này, tỉnh An Giang sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho khoảng 23 dự án ở năm lĩnh vực: nông nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; công nghiệp; xây dựng - đô thị; y tế với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 27.000 tỉ đồng; trao cam kết đầu tư cho bảy nhà đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 101.000 tỉ đồng; trao tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang” nhằm vinh danh các doanh nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang. Ngoài ra, An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án trong một số lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa... |