Án lệ: Công bố kết hợp bình luận

Theo Đề án phát triển án lệ của TAND Tối cao, việc công bố công khai án lệ sẽ theo hai hình thức là thông qua website http://www.toaan.gov.vn của ngành tòa án và thông qua việc phát hành ấn phẩm “Tuyển tập án lệ”. Việc công bố sẽ chia làm hai giai đoạn: Từ năm 2013 đến 2017 và từ năm 2018 đến 2023.

Chỉ nên công bố phần nội dung?

PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) đề xuất: Ngoài hai cách công bố án lệ nêu trên, nên có thêm một cách nữa là TAND Tối cao trực tiếp thông báo, giới thiệu về án lệ trong các hội nghị tổng kết ngành, các buổi tập huấn. Cạnh đó, tòa phải có chủ trương khuyến khích tòa cấp dưới trích dẫn đường lối xét xử của án lệ vào bản án khi giải quyết các vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự.

Về nội dung, theo ông Đại, do bản chất của án lệ vốn chỉ thể hiện đường lối xét xử nên không cần công bố nguyên văn cả quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao. Các phần về thủ tục tố tụng như thành phần HĐXX, nhân thân, địa chỉ của các đương sự… có thể lược bớt để đi thẳng vào phần nội dung, tình tiết vụ việc, các nhận định, lập luận, quy định áp dụng, phán quyết.

Ông Đại cũng cho rằng chỉ nên công bố quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và quyết định giám đốc thẩm của các tòa chuyên trách của TAND Tối cao, là nơi tập trung các thẩm phán giỏi, có kinh nghiệm.

Án lệ: Công bố kết hợp bình luận ảnh 1

Ngoài cách công bố án lệ, tòa phải có chủ trương khuyến khích tòa cấp dưới trích dẫn đường lối xét xử của án lệ vào bản án khi giải quyết các vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự. Ảnh: HTD

Nên kèm theo bình luận án?

Nhiều chuyên gia khác đặt vấn đề: Kèm theo việc công bố án lệ thì phải công khai cả những bình luận khoa học chuyên sâu, có chất lượng về án lệ. TAND Tối cao nên giao cho một bộ phận trực thuộc cập nhật án lệ, đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động bình luận án lệ bằng việc mời các chuyên gia pháp lý, các thẩm phán có uy tín, kinh nghiệm tham gia hội thảo. Khuyến khích các cán bộ tố tụng, luật sư, nhà nghiên cứu, các tạp chí chuyên ngành pháp lý lựa chọn án lệ để bình luận. Tài liệu bình luận phải cập nhật thành ấn phẩm riêng kèm theo bản án, được công bố định kỳ theo từng quý.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Nam (Học viện An ninh nhân dân), phải chú ý rằng mục đích của hoạt động bình luận nhằm làm rõ hơn các vấn đề pháp lý quanh nội dung vụ việc để tăng tính hướng dẫn thống nhất của án lệ. Cạnh đó, bình luận còn là so sánh, đánh giá án lệ này với những án lệ trước đây về tính hợp pháp, hợp lý của nó. Các bình luận không được làm sai lệch giá trị và tính đúng đắn của án lệ đã được chọn lựa, công bố. TAND Tối cao nên cho phép các thẩm phán viện dẫn cả phần phân tích, bình luận kèm theo trong các tuyển tập án lệ vào bản án của mình.

Thêm lòng tin vào tòa

PGS-TS Dương Tuyết Miên (Trường ĐH Luật Hà Nội) và luật sư Nguyễn Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đều tin rằng hiệu quả của án lệ sẽ tăng nếu có cách thức và đối tượng công bố phù hợp.

Theo hai chuyên gia này, trước hết về đối ngoại, việc công bố công khai án lệ là cần thiết trong việc xây dựng môi trường pháp lý để thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn về pháp luật Việt Nam qua việc minh bạch các phán quyết về tranh chấp thương mại mà họ có thể gặp phải.

Về phía cơ quan tố tụng, việc công bố công khai án lệ giúp nâng cao chất lượng giải quyết án. Án lệ để các cán bộ tố tụng tham khảo, học hỏi cả về luật nội dung lẫn luật hình thức, từ đó có căn cứ giải quyết án đúng đắn, công bằng. Người dân cũng thêm lòng tin vào cơ quan xét xử khi thấy các án lệ được công khai rõ ràng, dễ tìm hiểu. Mỗi án lệ sẽ giải đáp được cho người có các tranh chấp tương tự về các quy định pháp luật, dự liệu được khả năng thắng hay thua để quyết định có khởi kiện hay không.

Với luật sư, án lệ như một nguồn tư liệu quý, nguồn vận dụng pháp luật cần thiết trong khi hành nghề. Với các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên luật, án lệ là nguồn tài liệu sinh động về thực tiễn xét xử chứ không đơn thuần chỉ là lý thuyết chay.

Nghị quyết 48 ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng án lệ. Tiếp đó, Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020) cũng nêu rõ: “TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”.

Trên thực tế, đến nay TAND Tối cao đã tập hợp, công bố xuất bản bảy tập quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao từ năm 2003 đến 2009. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước chạy đà quan trọng, vững chắc đối với Đề án phát triển án lệ sắp tới.

Bình luận án ở một số nước

Ở những nước theo hệ thống pháp luật dân luật - luật thành văn thì việc bình luận án lệ trên tạp chí, báo chuyên ngành khá phổ biến. Tuy chất lượng bình luận khác nhau nhưng thể hiện được sự phong phú, đa dạng về các quan điểm, giúp thẩm phán, luật sư dễ tiếp cận.

- Ở Pháp: Các án lệ của Tòa Hành chính Tối cao thường xuyên xuất hiện trên các báo và tạp chí chuyên ngành. Hầu hết phần bình luận với các quan điểm khoa học có nội dung rộng hơn nội dung bản án do tòa công bố. Tương tự, nhiều quyết định quan trọng của tòa án khác cũng được các chuyên gia viết bài bình luận trên báo. Các bài bình luận mang tính học thuật nhưng nếu có quan điểm của quan chức nhà nước, thẩm phán thì sức thu hút đối với người đọc cao hơn.

- Ở CHLB Đức: Các tạp chí, báo chuyên ngành thường xuyên tổ chức lấy ý kiến bình luận án lệ của tòa. Ở nước này, chỉ có Tòa án Hiến pháp Liên bang mới được công bố ý kiến khác nhau của các thẩm phán trong HĐXX. Việc bình luận có ý đối ngược lại ý kiến của Tòa án Hiếp pháp rất thu hút người đọc. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực pháp luật khác cũng được tạp chí, báo chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, so sánh như so sánh pháp luật về hợp đồng ở Đức với các nước Anh, Pháp. Một điểm đáng chú ý là các luật gia, thẩm phán rất cởi mở, nhiệt tình trong việc tìm hiểu, giải đáp pháp lý cũng như bình luận án.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm