An ninh hàng không: Cần làm gì để chuyên nghiệp hơn?

Các vụ gây rối, hành hung nhân viên hàng không gần đây tại Cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khiến dư luận không khỏi lo ngại về vai trò và phản ứng của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không (ANHK). Liên quan vấn đề này, ngày 15-12, tại lễ khánh thành nhà ga mới tại CHK quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý Tổng Công ty CHK Việt Nam (ACV) cần sớm triển khai đề án thành lập Công ty TNHH MTV ANHK nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động an ninh tại các CHK cả nước.

Chuyên môn không đồng đều

Ngày 23-11, Phạm Hữu An, Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng đến CHK Thọ Xuân tiễn người nhà đi chuyến bay VN1271 chặng Thanh Hóa-TP.HCM. Ba người này nhờ chị Lê Thị Giang, nhân viên hàng không, chụp ảnh kỷ niệm với người nhà, sau đó có ý muốn chụp chung với chị Giang nhưng chị Giang từ chối vì lý do công việc. Do không được đáp ứng yêu cầu, ba người đã to tiếng chửi bới, hành hung chị Giang. Một đại diện của hãng hàng không VietJet Air ra can ngăn thì bị Lê Văn Nhị tát và đạp vào người. Qua vụ việc này, dư luận cho rằng lực lượng kiểm soát ANHK ở gần đó nhưng phản ứng chậm và tỏ ra hoài nghi năng lực của lực lượng này.

Hai ngày sau, tại ga đi quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một vị khách đến trễ chuyến bay cũng đã văng tục chửi bới, chụp chiếc cặp định đánh nhân viên hàng không. Lực lượng ANHK đã can thiệp kịp thời, khống chế và bàn giao Đồn công an Tân Sơn Nhất xử lý.

Qua hai vụ việc này cho thấy chất lượng ANHK không đồng đều tại các sân bay.

Mô hình lực lượng an ninh hàng không mới sẽ loại bớt công việc kiêm nhiệm để hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: P.ĐIỀN

Cần chuyên nghiệp hóa

Một cán bộ ANHK cho hay hiện lực lượng kiểm soát ANHK vẫn còn kiêm nhiệm một số công việc khác nên các hoạt động của lực lượng này vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn chưa cao. “Để nâng cao tính linh hoạt, phản ứng nhanh đối với các hành vi gây rối, lực lượng ANHK cần phải hoạt động độc lập, đảm bảo hiệu quả xử lý nhanh các tình huống bất ngờ nhưng vẫn giữ hình ảnh thân thiện trong mắt hành khách” - vị cán bộ nói.

Nói rõ hơn về tính chưa chuyên nghiệp của lực lượng ANHK, ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc CHK quốc tế Vinh, nhìn nhận: Hiện ANHK vẫn kiêm nhiệm một số việc như soi chiếu, tuần tra, phòng cháy chữa cháy... Việc kiêm nhiệm như vậy sẽ khiến nhân viên an ninh bị sao lãng thay vì chú tâm vào chuyên môn được phân nhiệm.

Ông Thư cũng cho biết ACV đang lập đề án thành lập Công ty TNHH MTV ANHK. Theo hướng mới này, lực lượng ANHK sẽ tách ra hoạt động độc lập, tập trung cao hơn cho các công việc chuyên môn về đảm bảo ANHK. 

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo ACV cho biết đề án này đang được hoàn thiện để trình Cục Hàng không Việt Nam và Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT thẩm định. Theo đó, mô hình hoạt động lực lượng ANHK sẽ độc lập, chuyên nghiệp thay vì mô hình hoạt động như hiện nay.

“Hiện đề án thành lập Công ty TNHH MTV ANHK đang trong giai đoạn nước rút để sớm triển khai hoạt động. Khi thành lập, công ty sẽ hoạt động độc lập, trực thuộc ACV, hạn chế sự can thiệp của các bộ phận sân bay khác. Lúc đó công ty sẽ ký kết dịch vụ đảm bảo ANHK tại 21 sân bay, CHK cả nước…” - vị lãnh đạo ACV cho biết.

Vấn đề không phải đẻ ra nhiều tổ chức, cơ quan quản lý ANHK mà việc tổ chức phải tinh gọn, xuyên suốt, chuyên biệt. Lực lượng ANHK là bộ mặt quốc gia nên hoạt động phải nhanh, kịp thời, linh hoạt nhưng phải văn minh, lịch sự.

TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa luật quốc tế, 
trường ĐH Luật TP. HCM
 

Làm đúng công việc phân nhiệm

Về việc sắp xếp lại lực lượng ANHK, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, giảng dạy bộ môn Hàng không dân dụng quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định việc tổ chức lại lực lượng ANHK thực chất là sắp xếp lại đội ngũ nhân sự an ninh để hoạt động chuyên môn hóa cao hơn. Khi đó các bộ phận an ninh sân bay sẽ đảm nhiệm công việc chuyên môn được giao tốt hơn. Chẳng hạn bộ phận an ninh soi chiếu sẽ tập trung kiểm tra hàng hóa, bưu kiện; bộ phận an ninh trật tự là lực lượng phản ứng nhanh để xử lý các tình huống xung đột kịp thời; bộ phận an ninh trên các chuyến bay thì tập trung theo dõi, giám sát liên quan các chuyến bay...

“Các bộ phận này được cơ cấu lại thành các đơn vị, không làm các nhiệm vụ chồng lấn lên nhau như hiện nay sẽ làm sao lãng nhiệm vụ chính của lực lượng ANHK” - ông Phước nói.

Lực lượng an ninh hàng không có quyền gì?

Điều 29 Nghị định 92/2015/NĐ-CP về ANHK yêu cầu đối với lực lượng kiểm soát ANHK phải có hệ thống tổ chức độc lập. Người đứng đầu các bộ phận thuộc hệ thống không kiêm nhiệm công việc khác. Nhân viên kiểm soát ANHK được tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, cấp giấy phép theo quy định.

Lực lượng kiểm soát ANHK thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát ANHK theo thẩm quyền. Đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại cơ sở liên quan. Bảo vệ hiện trường khi xảy ra các vụ uy hiếp ANHK, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng… Lực lượng ANHK được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm