Chiều 26-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Hữu An (28 tuổi), ngụ phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa; Lê Văn Nhị (41 tuổi) và Lê Trung Dũng (34 tuổi) đều ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân.
Hờ hững trước nữ nhân viên bị hành hung
Trước đó, vào ngày 25-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng trên để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 23-11-2018 tại cảng hàng không Thọ Xuân.
Cụ thể, ngày 23-11, An, Nhị và Dũng đến cảng hàng không Thọ Xuân để tiễn người nhà đi chuyến bay VN1271 chặng bay Thanh Hóa-TP.HCM.
Sau khi người nhà làm xong các thủ tục check in, An, Nhị và Dũng nhờ chị Lê Thị Giang, nhân viên hãng hàng không VietJet Air (đang làm nhiệm vụ kiểm soát hành lý tại khu vực sảnh ga đi) chụp ảnh hộ, sau đó ba đối tượng muốn chụp chung với chị Giang nhưng chị Giang từ chối vì lý do công việc.
Do không được đáp ứng yêu cầu, ba người trên đã to tiếng chửi bới, hành hung chị Giang. Lúc đó, bà Lê Thị Hiền là đại diện hãng hàng không VietJet Air chứng kiến sự việc đã ra can ngăn thì bị Lê Văn Nhị tát vào mặt và đạp vào người.
Điều đáng nói là sự việc trên xảy ra ngay trước mặt lực lượng an ninh hàng không (ANHK) tại sân bay Thọ Xuân khiến dư luận đặt nghi vấn tại sao ANHK lại “hờ hững” trước việc các nữ nhân viên bị hành hung?
Có độc giả đã ái ngại đặt vấn đề: Nếu những người hành hung trên sử dụng dao để đâm nhân viên hàng không và hậu quả là xảy ra án mạng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Từ đó, nhiều độc giả cho rằng liệu cảng hàng không Thọ Xuân có còn là nơi an toàn cho các hành khách?
Để giải đáp vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với đại diện cảng hàng không Thọ Xuân như: Quy trình tuyển chọn nhân viên ANHK tại sân bay? Các nhân viên đó giải trình thế nào trong vụ việc các nhân viên bị hành hung vừa qua? Nếu án mạng xảy ra thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Có bao nhiêu nhân viên thuộc lực lượng ANHK tại sân bay?
Tuy vậy, cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đại diện cảng hàng không sân bay Thọ Xuân.
An ninh hàng không Tân Sơn Nhất xử lý kịp thời khi hành khách định hành hung nhân viên (trái) trong khi tại sân bay Thọ Xuân, nữ nhân viên đã bị hành hung (phải). (Ảnh cắt từ các clip)
An ninh hàng không cần chuyên nghiệp
Trái ngược với thái độ thờ ơ, yếu kém của lực lượng ANHK tại sân bay Thọ Xuân thì lực lượng ANHK tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) được đánh giá cao ở thái độ tích cực và chuyên nghiệp.
Cụ thể, ngày 25-11, tại ga đi quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hành khách HTL đã đến trễ so với giờ ra máy bay quy định trên vé. Khách ra cửa khởi hành lúc 19 giờ 7 phút trong khi vé ghi giờ khởi hành lúc 18 giờ 30.
Khi đại diện hãng bay giải thích và yêu cầu khách đổi chuyến thì vị khách này văng tục chửi bới, gây rối mất trật tự. Sau đó vị khách này chụp chiếc cặp lên định đánh nhân viên. Lập tức lực lượng ANHK đã khống chế người này và bàn giao Đồn công an Tân Sơn Nhất xử lý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất cho hay vị khách nói trên trước đó đã có nói to tiếng, nóng tính nên ANHK đã theo dõi từ trước, lúc vị khách này vừa có hành động định hành hung thì ANHK lập tức khống chế kịp thời.
“Một số trường hợp anh em đã theo dõi qua thái độ ứng xử để có phương án xử lý phù hợp chứ không nhảy vào can thiệp chuyện của hãng hàng không với hành khách - vị này nói.
Còn trường hợp khách có thái độ hăm họa thì ANHK giải thích cho họ hiểu, chỉ khi khách quá khích thì ANHK phải can thiệp hoặc hãng từ chối vận chuyển hành khách và mời ra khỏi khu vực làm thủ tục để không ảnh hưởng đến tình hình trật tự chung.
Không thể chấp nhận hành vi côn đồ
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho rằng hành vi tấn công nhân viên hàng không là không thể chấp nhận được. Vì sân bay không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động vận chuyển thương mại mà đó còn là bộ mặt quốc gia, nơi giao lưu chính trị, kinh tế thương mại.
Theo ông Tống, ngoài lực lượng ANHK đã được luật định có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn khu vực cảng hàng không cần có sự phối hợp nhanh, mạnh của các lực lượng công lực khác như công an, an ninh để xử lý kịp thời các vụ việc tương tự.
Về vấn đề này, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, giảng dạy bộ môn Hàng không dân dụng quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, đánh giá khu vực “đặc biệt” như nơi cách ly, quá trình bay và nơi phục vụ cho các hoạt động bay. Còn những nơi làm thủ tục gửi hàng hóa, thủ tục lên máy bay thì ANHK cũng giống như những hoạt động khác.
Từ đó, TS Phước lưu ý sân bay là cửa ngõ giao lưu quốc tế về kinh tế, văn hóa nếu đó là sân bay quốc tế, còn sân bay quốc nội là bộ mặt an ninh trật tự xã hội. Nên chăng ngoài lực lượng an ninh doanh nghiệp còn có lực lượng cảnh sát tại chỗ và cơ động để tăng cường xử lý nhanh sự cố, tránh tình trạng làm náo loạn ANHK, ảnh hưởng đến bộ mặt quốc gia.
Nhiệm vụ của an ninh hàng không tại sân bay Nhân viên ANHK là một trong 14 chức danh nhân viên hàng không (Thông tư 61/2011/TT-BGTVT). Trong đó, nhân viên ANHK chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát ANHK tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; duy trì trật tự tại khu vực công cộng tại cảng hàng không, sân bay. Tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ vành đai cảng hàng không, sân bay, khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, máy bay đỗ tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm an ninh trên chuyến bay và các nhiệm vụ khác theo quy định tại các văn bản quy phạm của pháp luật chuyên ngành về ANHK. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định ANHK là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho máy bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất… |