Đó là khẳng định của TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) tại hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL - Việt Nam” diễn ra ngày 29-5 tại Cần Thơ.
Hầu hết mọi vấn đề sinh hoạt, sản xuất ở ĐBSCL đều bằng nguồn nước sông Mekong, từ đó hình thành nền văn minh sông nước đặc thù của khu vực này (ảnh GIA TUỆ)
Theo TS Lê Anh Tuấn, ĐBSCL cung cấp hơn 53% lượng gạo và hoa màu cho cả nước, 85% lượng cá, 75% lượng trái cây tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trên thế giới.Chính vì vậy, hầu hết mọi vấn đề sinh hoạt, sản xuất ở ĐBSCL đều bằng nguồn nước sông Mekong, từ đó hình thành nền văn minh sông nước đặc thù của khu vực này.
Nhưng hiện nay, ĐBSCL đang bị đe doạ bởi an ninh nguồn nước và phù sa, bởi việc nước bạn xây đập thuỷ điện ở dòng chính sông Mekong. Chính việc “xây dựng một loạt đập thuỷ điện từ Trung Quốc đến Lào đã làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu sông Mekong và mất đi lượng phù sa khá lớn”.
Việc hàng loạt đập thuỷ điện từ Trung Quốc đến Lào nên lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm “giảm từ 160 triệu tấn/năm, xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm”. Chính vì việc thiếu phù sa nên nước đòi phù sa gây sạt lở, sụt lún đang diễn ra khá nghiêm trọng ở đồng bằng.
TS Lê Anh Tuấn cho rằng việc xây các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong chính là một trong sáu thách thức ở ĐBSCL (ảnh TÍN HUY)
“Phù sa của sông Mekong là điều cần thiết hình thành và kiến tạo vùng ĐBSCL. Nhờ lớp phù sa mà việc sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản góp phần quan trọng trong vấn đề an ninh lượng thực cho Việt Nam và trên cả thế giới, bảo vệ vùng ven biển ĐBSCL không bị xâm thực biển và vươn ra ngoài. Nhưng hiện nay, việc xây các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong chính là một trong sáu thách thức ở ĐBSCL đe doạ đến vấn đề an ninh nguồn nước ở hạ lưu sông Mekong, đặc biệt ở khu vực đồng bằng phía Việt Nam” – TS Tuấn cảnh báo.
An ninh nguồn nước đe dọa vựa lúa ĐBSCL (ảnh GIA TUỆ)
Theo phân tích của TS Lê Anh Tuấn, ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức, gồm biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và di dân, khai thác tài nguyên quá mức, suy giảm môi trường, thay đổi sử dụng đất và sự đe dọa của các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Trong đó, năm thách thức ban đầu thì có thể ứng phó, cải thiện được, nhưng cái ở ngoài thì khó thực hiện.Đó chính là các đập thuỷ điện mà nước bạn đang xây dựng chúng ta không thể kiểm soát.
Việc này sẽ đe doạ đến an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL, mà tất cả việc sản xuất ở ĐBSCL phụ thuộc vào an ninh nguồn nước, nếu an ninh nguồn nước mất đi thì an ninh lương thực sẽ bị đe doạ, an ninh lương thực mất đi thì an ninh xã hội ngày trở nên nghiêm trọng.
“Hiện ở ĐBSCL chưa nhận được lợi ích nào từ đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản sẽ thiệt hại mất đi vai trò trong xuất khẩu. Suy giảm về hệ sinh thái rừng ngập nước về và đa dạng sinh học ở ĐBSCL’ – TS Lê Anh Tuấn cảnh báo.