Công an cảnh báo người dân nạn lừa đảo qua mạng xã hội

Dù đã có rất nhiều trường hợp người dân sập bẫy kẻ lừa đảo được báo chí đưa tin, các cơ quan công an cũng đưa ra cảnh báo liên tục nhưng người dân vẫn bị lừa. 

 Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đã liên tiếp có những cảnh báo cho người dân trên địa bàn về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội

Mất điện thoại, mất luôn tiền trong thẻ ngân hàng

Theo thống kê của Công an quận Thủ Đức, chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều người dân bị lừa bởi những hình thức khác nhau.

Một trong những thủ đoạn thường được những kẻ lừa đảo sử dụng là gọi điện, giả danh công an để gây áp lực yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra. Ảnh: PLO.

Chị Phan Thị T (ngụ ở phường Linh Đông) bị kẻ đi xe máy giật điện thoại  khi đang đứng trên lề đường. Sau đó, chị T đi làm lại sim điện thoại bị mất, đăng nhập vào hệ thống Internet Banking thì phát hiện tài khoản của mình bị mất hết 50 triệu đồng, do chuyển đến một tài khoản lạ khác mà chị không quen biết.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn P ngụ ở phường Tam Phú nhận được cuộc gọi từ Zalo của một người tự xưng là Dương Minh Hùng hiện đang công tác tại Công an Đà Nẵng.

Hùng nói anh P có liên quan đến đường dân mua bán trái phép chất ma tuý, rửa tiền và yêu cầu anh P mua một sim điện thoại, đăng ký thông tin cá nhân rồi dùng sim này đăng ký tài khoản Internet Banking tại một ngân hàng. Đồng thời, người này yêu cầu P cung cấp cho mình số điện thoại mới cùng với số tài khoản.

Một ngày sau đó, anh P đến ngân hàng, dùng dịch vụ Internet Banking chuyển 1 tỷ 950 triệu đồng cho Hùng. Sau khi chuyển xong, anh mới biết mình bị lừa, vội vàng báo cho cơ quan chức năng.

Chị Nguyễn Thị B (ngụ phường Linh Đông) cũng mất 18 triệu đồng vì bị lừa qua Zalo. Theo đó, chị B có kết bạn, trò chuyện với một tài khoản trên Zalo tên là “Sam Annie”. Người này tự xưng là công dân nước Úc, bảo rằng muốn làm từ thiện tại Việt Nam với số tiền 900.000 USD nhưng vì bệnh nặng nên nhờ chị B nhận số tiền trên để trao cho quỹ từ tiện.

Khoảng 4 ngày sau, một người tự xưng là nhân viên hải quan gọi đến chọ chị B báo rằng có một gói hàng gửi về từ Úc, yêu cầu chị B chuyển 18 triệu đồng vào một số tài khoản để thông qua gói hàng do người có tên là Sam Annie chuyển. Chị B đã thực hiện theo yêu cầu của người này. Nhưng sau đó, người tự xưng là nhân viên hải quan gọi đến một lần nữa và yêu cầu chị chuyển thêm 106 triệu đồng để đóng phí phạt. Lúc này, biết mình bị lừa nên chị B đã báo công an.

Một ngày, chị Trần Thị M. H (phường Hiệp Bình Phước) nhận được điện thoại từ số máy lạ cho biết chị đang có một bưu phẩm chưa nhận, bấm phím 9 sẽ có người hướng dẫn.

Chị thực hiện theo hướng dẫn thì nghe giọng một người đàn ông nói rằng, chị có đăng ký một tài khoản thẻ tín dụng tại một ngân hàng ở Đà Nẵng. Chị M.H phản ứng, cho rằng mình không có mở thẻ, cũng không có nợ thẻ tín dụng nào thì được nối máy cho chị gặp một công an.

Người này tự xưng là Thiếu uý Nguyễn Tuấn Anh, đang công tác tại Đà Nẵng. Để khiến chị M.H tin tưởng, người này kết bạn Zalo với chị M.H, gửi thẻ ngành, hình ảnh công an (nhưng sau đó lại thu hồi). Người này yêu cầu chị cung cấp CMND rồi bảo chị có liên quan đến một đường dây buôn bán ma tuý lớn với số tiền 2,8tỷ đồng, đề nghị chị phối hợp điều tra.

Người tự xưng là Thiếu uý còn gửi cho chị một đường link, yêu cầu chị tải App, nhập tất cả thông tin về số tài khoản, tên đăng nhập, password vào App. Sauk hi làm xong, người này yêu cầu chị xoá tất cả tin nhắn, không cho người thân, bạn bè biết và 12 tiếng sau hãy đăng nhập.

Sau đó, chị M.H mở App ra xem thì phát hiện tài khoản bị mất số tiền 100 triệu đồng. Chị M.H ngay sau đó đã báo cho công an để điều tra.

Cách nào để tránh ‘sập bẫy’?

Qua hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao nêu trên, Công an quận Thủ Đức khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác.

Hình thức lừa đảo qua dịch vụ Internet Banking hay Zalo, các đường link không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều. 

Cụ thể, công an khuyến cáo người dân không nên cho bất cứ ai mượn thẻ ngân hàng, giấy tờ tuỳ thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, hộ khẩu…); không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng; không truy cập, tải các web, đường link không rõ nguồn gốc; không ký khống các giấy tờ thiếu nội dung, giấy uỷ quyền chưa ghi thông tin người đọc uỷ quyền; không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu ebank, mã OTP của ngân hàng và chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại dù là bất kỳ tình huống nào.

Công an cũng cho rằng, người dân cần phải chú ý các dấu hiệu bất thường, che mã PIN khi rút tiền tại ATM; đổi mã PIN khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường. Người dân cũng có thể đổi sang thẻ CHIP nhằm tránh bị đọc trộm thông tin để làm thẻ giả; kiểm tra các thông tin sau khi giao dịch gửi tiết kiệm, kiểm tra mã QR Code, gọi cho tổng đài hoặc kiểm tra mọi thông tin tại quầy.

Trước khi thực hiện thanh toán mua hàng, người dân cần kiểm tra kĩ càng thông tin của đối tác nhận để đảm bảo chính xác, không để kẻ gian lợi dụng sơ hở để trục lợi.

Người dân cũng cần nhớ rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta (công an, viện kiểm sát, tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều yêu cầu công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp; tuyệt đối không trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và không bao giờ buộc người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh.

Công an quận Thủ Đức cũng đề nghị người dân khi phát hiện những đối tượng có nghi vấn phạm tội trên cần báo ngay cho công an phường gần nhất hoặc Công an quận Thủ Đức qua số điện thoại: 028.38972025 để lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm