Đe dọa từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Ninh Thuận, Khánh Hòa: Kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Vào 16 giờ chiều qua (3-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 250 km về phía đông đông nam với sức gió cấp 6 (tức là 39-49 km/giờ), giật trên cấp 6 và hầu như ít di chuyển.

Dự báo đến sáng nay, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển về phía tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh trên có gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 6.

Dự báo dài hạn của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết áp thấp nhiệt đới này có khả năng dịch chuyển về hướng tây tây nam trong vài ngày tới và sẽ gây thời tiết xấu trên biển Nam bộ và gây mưa to kéo dài tại Trung bộ và Tây Nguyên.

Sáng nay, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên dự báo sẽ tiếp tục lên, vượt mức báo động ba.

Sáng qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công điện khẩn gửi các cơ quan liên quan cùng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi, phát thông tin kêu gọi khẩn cấp các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. Được biết, tại Ninh Thuận có 343 tàu thuyền với 3.289 lao động đang hoạt động trên biển.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, suốt ngày hôm qua toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa nhiều. Sở Thủy sản, Bộ đội biên phòng tỉnh đã khẩn trương kêu gọi 512 tàu thuyền với 3.721 ngư dân đang hoạt động trên biển, nhanh chóng vào bờ.

Còn nhiều cái chết sau lũ

Tại Quảng Bình, tuyến đường qua đập Mỹ Trung (huyện Quảng Ninh) còn ngập khoảng 0,2 m. Sáng qua đã có hai phụ nữ bị chết đuối khi lao xe máy xuống một hố sâu do lũ xói giữa đường.

Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa-Thiên Huế, thừa nhận chính quyền không thể quản lý nổi người dân đi chơi, vớt củi, làm ăn trong lũ dẫn đến những cái chết “vô duyên” dù chính quyền đã dùng biện pháp mạnh, thậm chí cho phép nổ súng để thị uy.

 Đến nay, toàn tỉnh đã có tám người chết và 31 người bị thương, hàng ngàn nhà dân của ba huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà vẫn còn ngập sâu trong lũ.

Tại Quảng Nam, đến chiều qua, lũ vẫn còn diễn biến khá phức tạp, lũ lên cao nhấn chìm 16 huyện, thị với hơn 30.000 nhà dân. Nhiều tuyến đường bị cô lập, đã có thêm bốn người chết do lũ cuốn, nâng số người chết và mất tích tại tỉnh lên 14 người. Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết dù công tác phòng ngừa đã được thắt chặt nhưng người dân vẫn chết nhiều do quá chủ quan.

Mưa lũ vẫn tiếp tục “dùng dằng” tại tỉnh Quảng Ngãi, mực nước các sông đã lên trở lại. Tại huyện miền núi Trà Bồng, trong ngày đã di dời 13 hộ dân vùng nứt núi thôn Trà Lạc và Trà Xanh (xã Trà Lãnh) đến nơi ở tạm. Hai người dân ở huyện miền núi Sơn Hà bị nước lũ cuốn trôi vào tối 2-11 vẫn chưa vớt được xác. Đến nay, Quảng Ngãi có 16 người chết, hai người bị thương do mưa lũ và áp thấp nhiệt đới.

Tại thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm núi Gành bị sạt lở, đè sập nhà anh Phạm Minh Đức khiến anh bị thiệt mạng.

Bão Vamei đang vào biển Đông

Đêm qua, cơn bão thứ 21 trên Thái Bình Dương có tên Vamei (do Macau đặt) đã hình thành trên vùng biển Philippines, cách thủ đô Manila khoảng 600 km về phía đông.

Trung tâm cảnh báo bão của Hải quân Hoa Kỳ dự báo ngày mai, bão Vamei sẽ đổ bộ vào Philippines với sức gió cấp 12, giật cấp 14. Đêm mai, bão sẽ vào khu vực giữa biển Đông, trở thành cơn bão số 6 của Việt Nam, ở vào khoảng 17 vĩ độ bắc, với sức gió suy yếu còn cấp 10, cấp 11.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Xuân Lan - Phó phòng Dự báo và dịch vụ Đài khí tượng thủy văn Nam bộ nhận định đây là một cơn bão mạnh và nhiều khả năng sẽ vào đất liền Việt Nam. Bà Lan cho biết hướng đi và cường độ của bão tùy thuộc vào không khí lạnh tác động nhưng đây là bão cuối mùa nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng từ Khánh Hòa trở vào Nam.

THẠCH HÀ

NHÓM PV, CTV MIỀN TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm