Súng bắn đạn hoa cải (gọi tắt là súng hoa cải) nguyên dạng dài 70 - 80 cm, dùng để bắn đạn mạt sắt, đạn chì hoặc những viên bi sắt nhỏ. Khi bắn, đạn trong nòng súng tỏa ra theo chùm như hoa cải nên giới giang hồ đặt tên là “súng hoa cải”, hay còn gọi là súng bắn đạn ghém. Do chiều dài của súng bất tiện, dân giang hồ thường cưa nòng súng chỉ còn 30 - 40 cm cho dễ cất giấu và tiện gây án.
Hung khí đoạt mạng
Vào khoảng năm 2004 trở về trước, loại súng này thường được cánh thợ săn sử dụng để bắn chim ở đảo Đình Vũ, TP Hải Phòng. Vào thời điểm đó, các băng nhóm tội phạm thường chỉ sử dụng dao, kiếm… để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, huyết chiến theo kiểu “chó đàn” đánh giáp lá cà với vũ khí thô sơ không hiệu quả mà lại dễ tổn hao lực lượng nên các băng nhóm tội phạm đã tìm đến súng hoa cải như là một kiểu “hiện đại hóa” vũ khí phạm tội để vừa tạo được tiếng nổ trấn áp đối thủ vừa gây sát thương cao, “lách” luật được.
Công an TP Hải Phòng khám xét nhà của lái súng Phạm Cao Sơn
Điển hình vụ nhóm của Nguyễn Công Tư (tức Tư “càng”, SN 1987, ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) do mâu thuẫn trong việc bảo kê sòng bạc với nhóm của Đỗ Anh Tú (tức Tú “tiêu”, SN 1976) nên đã hẹn nhau “sống mái” tại phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân. Hậu quả: Tư “càng” bị nhóm Tú dùng súng hoa cải bắn chết.
Theo phân tích của cơ quan điều tra, phần lớn đối tượng sử dụng súng hoa cải gây án đều liên quan đến việc tranh chấp lợi ích kinh tế giữa các băng nhóm tội phạm dính tới các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tín dụng đen, buôn bán ma túy... Đặc biệt nghiêm trọng là vụ bắn chết 6 người ở cảng Làng Khánh, tỉnh Quảng Ninh, gây bức xúc dư luận. Thủ phạm của vụ án là các băng nhóm giang hồ ở Quảng Ninh đã sử dụng súng hoa cải làm phương tiện gây án.
Gieo rắc nỗi lo
Nạn nhân của súng hoa cải có thể là bất cứ ai, không chỉ là các băng nhóm tội phạm mà ngay cả những người dân lương thiện hay lực lượng công an, quân đội… đang thi hành nhiệm vụ.
Một dạng súng hoa cải được cải tiến cho gọn nhẹ
Gần đây nhất là vụ trung sĩ Đỗ Đăng Long, thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động - Công an TP Hải Phòng, trong khi truy bắt kẻ phạm tội đã bị Đỗ Văn Sơn (SN 1984, ngụ xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên) và Hoàng Văn Nam (SN 1986, ngụ xã Hồng Thái Tây, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) dùng súng hoa cải sát hại tại Cầu Bính, Hải Phòng.
Mua bán, sử dụng tràn lan
Cách đây 5 năm, Công an Hải Phòng đã cảnh báo về loại vũ khí này được đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng việc ngăn chặn không kịp thời, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Theo đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, năm 2006, lực lượng công an phá một số vụ án, phát hiện loại súng này và đã cảnh báo về sự nguy hiểm của nó. Chỉ một thời gian ngắn sau, hàng loạt vụ trọng án đã xảy ra liên quan đến súng hoa cải. Đại tá Đỗ Hữu Ca khẳng định: “Việc tìm mua súng hoa cải ở những nơi giáp biên giới Trung Quốc dễ như mua dao kiếm, nhất là khu vực Đồng Đăng và cửa khẩu Chi Ma (ở hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh)”.
Vào thời điểm mới xuất hiện loại súng này, giá mỗi khẩu súng chỉ 3-4 triệu đồng/khẩu, sau đó tăng lên 6 - 7 triệu đồng/khẩu. Súng hoa cải không chỉ được nhập từ biên giới mà nay các tay giang hồ còn sản xuất ngay trong nước. Đại tá Dương Tự Trọng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cho biết chỉ cần một ống sắt loại tốt là những đối tượng phạm tội có thể chế tạo được một khẩu súng hoa cải mà không cần kỹ thuật cao siêu gì. Còn đạn thì cũng có thể dễ dàng chế tạo được bằng cách mua kíp sau đó về nhồi mạt sắt, chì hoặc những viên bi sắt.
Vào năm 2008, Công an Hải Phòng phá một ổ nhóm chuyên sản xuất súng hoa cải do Phạm Cao Sơn (Sơn “súng”, 42 tuổi, ngụ phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng) cầm đầu. Khi bắt giữ Sơn “súng”, cơ quan công an phát hiện một kho súng nơi đây có đến 35 khẩu, trong đó có 14 khẩu súng hoa cải và một số súng bút (dạng súng ám sát). Tháng 11-2011, lực lượng chức năng ở Hà Nội tiếp tục khám phá một vụ sản xuất 5 khẩu súng hoa cải do các đối tượng tại Lạng Sơn đặt hàng một người ở Sơn La sản xuất.
Thiếu chế tài Mặc dù lực lượng công an bắt giữ được khá nhiều vụ tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn ghém nhưng việc xử lý rất khó khăn và hình phạt dành cho các đối tượng này còn quá nhẹ. Điển hình là vụ án trùm lái súng Phạm Cao Sơn nghiêm trọng là vậy nhưng Sơn chỉ nhận mức án 24 tháng tù. Còn nếu bắt giữ đối tượng mang theo súng trong người, chưa kịp gây án thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính. Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng Dương Tự Trọng khẳng định: “Chế tài, xử lý phải đủ mạnh thì mới có tác dụng trừng trị, răn đe, phòng ngừa tội phạm. Nguy hiểm là vậy nhưng hiện súng hoa cải không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng theo Nghị định 47/CP. Theo Bộ Luật Hình sự thì điều 230 chỉ áp dụng đối với các hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Từ ngày 1-1-2012, pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới có hiệu lực, chỉ những vụ việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ súng hoa cải phát hiện sau thời điểm này mới có thể xử lý hình sự”. |