Liên quan đến vụ "Đại gia cá tra biệt tích, nông dân tá hỏa" mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chiều 21-2, nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết TAND tỉnh An Giang vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An - Tafishco (trụ sở ở tỉnh An Giang) mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh An Giang. Quyết định của tòa án cũng áp dụng phong tỏa tài sản của công ty này.
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên theo yêu cầu của Agribank khi ngân hàng này khởi kiện Công ty Thuận An và tòa thụ lý đơn kiện.
Tài khoản và tài sản của Công ty Thuận An hiện bị phong tỏa (ảnh: Trụ sở và xưởng sản xuất của Công ty Thuận An)
Trước đó, Agribank ủy quyền cho giám đốc Agribank Chi nhánh An Giang đại diện khởi kiện Công ty Thuận An và TAND tỉnh An Giang đã thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Theo đơn khởi kiện, Agribank yêu cầu Công ty Thuận An phải thanh toán ngay số tiền nợ tính đến ngày 29-12-2016 là trên 492 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 488 tỉ đồng.
Agribank cũng đề nghị tuyên phát mại toàn bộ tài sản đảm bảo của Công ty Thuận An theo các hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ. Trường hợp số tiền thu được sau khi phát mại tài sản không đủ để trả nợ, thì công ty phải tiếp tục trả số nợ còn thiếu cho ngân hàng.
Trong khi đó, liên quan đến diễn biến nợ nần của Công ty Thuận An đối với các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra của công ty này và vướng mắc hợp đồng tín dụng của các hộ với Agribank chi nhánh An Giang, ông Phạm Sơn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang cho biết hiện phía ngân hàng vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị các hộ nông dân thực hiện tái cơ cấu nợ. Cụ thể là nông dân phải trả tiền mua thức ăn mà Agribank đã trả thay trước đó.
“Tổ xử lý nợ của tỉnh không đồng thuận cách giải quyết này bởi theo quy định của chuỗi liên kết từ trước tới giờ, nông dân giao cá là xong, không còn nợ nữa, còn Công ty Thuận An phải trả tiền cho Agribank. Trường hợp hộ dân nào vay ngân hàng nhiều nhưng bán cá ít, tất nhiên sẽ còn nợ ngân hàng và phải có trách nhiệm phải trả. Còn nếu hộ nào vay ít nhưng bán cá nhiều thì thậm chí phải đấu tranh để lấy lại phần lời vốn có của họ. Hiện, tổ xử lý đã đề nghị phía ngân hàng điều chỉnh lại phương án giải quyết theo hướng trên” - ông Sơn nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, cuối năm 2016 rộ lên thông tin bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc và chồng là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An - Tafishco (trụ sở ở tỉnh An Giang, chuyên nuôi trồng, chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu) rời khỏi địa phương nhưng không rõ đi đâu. Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng một số nông dân bán cá tra nguyên liệu cho Tafishco liên tục đến đòi nợ, có đơn thư gửi đến cơ quan chức năng.
UBND tỉnh An Giang sau đó đã thành lập tổ xử lý nợ của Công ty Thuận An nhằm xây dựng phương án thu hồi nợ dự án chuỗi và xem xét giải quyết các khó khăn của hộ dân thuộc dự án. UBND tỉnh An Giang sau đó thông tin với báo chí báo chí việc lãnh đạo Công ty Thuận An đi Trung Quốc để tham dự hội chợ nghề cá từ ngày 29-10-2016 và từ đó đến nay chưa về công ty. Việc tham dự hội chợ là theo chương trình xúc tiến thương mại của công ty và đến nay các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của họ.
Tính đến tháng 11-2016, Tafishco đang nợ gần 800 tỉ đồng, trong đó có vốn vay các ngân hàng gần 600 tỉ đồng và hơn 2,5 triệu USD; nợ người nuôi cá 120 tỉ đồng. |