Theo đó, vào chiều cùng ngày, Thường trực UBND tỉnh đã họp với phía ngân hàng và ngành chức năng của tỉnh để bàn giải pháp, hướng xử lý vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An).
“Trước mắt tỉnh thống nhất hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) ổn định và duy trì hoạt động, đồng thời tiếp tục tìm các hướng để tháo gỡ các khó khăn, trong đó quan điểm của tỉnh phải bảo vệ quyền lợi của những nông dân mà phía Công ty Thuận An nợ nần” - ông Phạm Sơn nói.
Cũng theo ông Phạm Sơn, do đây là DN tư nhân và hiện vẫn hoạt động nên trước mắt ưu tiên đảm bảo quyền lợi nông dân, tháo gỡ các vướng mắc mà nông dân đang gặp phải, nhất là vấn đề DN còn nợ tiền nông dân, vướng của nông dân với ngân hàng, còn DN khi nào có tính toán về tương lai sau này về tái cơ cấu hoặc phá sản sẽ có bước giải quyết tiếp.
“Khoảng 2-3 ngày nữa khi có thêm sự bàn bạc và xem xét về tình hình vụ việc liên quan đến Công ty Thuận An, phía tỉnh sẽ có đầy đủ thông tin để có thể cung cấp cụ thể cho báo chí” - ông Phạm Sơn nói thêm.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, cuối năm 2016 dư luận tại An Giang rộ lên thông tin bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc và chồng là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An - Tafishco (trụ sở ở tỉnh An Giang, chuyên nuôi trồng, chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu) rời khỏi địa phương nhưng không rõ đi đâu. Có thông tin cho rằng vợ chồng bà Trinh đã đi nước ngoài.
Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng một số nông dân bán cá tra nguyên liệu cho Tafishco liên tục đến đòi nợ, có đơn thư gửi đến cơ quan chức năng. Thông tin trên báo chí cho biết tính đến tháng 11-2016, Tafishco đang nợ gần 800 tỉ đồng, trong đó có vốn vay các ngân hàng gần 600 tỉ đồng và hơn 2,5 triệu USD, nợ người nuôi cá 120 tỉ đồng.
Trả lời PV vào sáng 8-2, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết phía công an tỉnh có nhận một số đơn thư liên quan đến Tafishco và đang chỉ đạo phòng nghiệp vụ của công an tỉnh tiến hành xác minh làm rõ.