Cuối năm 2016 và sang đầu tháng 1-2017, An Giang rộ lên thông tin liên quan đến việc bà Nguyễn Thị Huệ Trinh (tổng giám đốc và chồng là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An - Tafishco, trụ sở ở tỉnh An Giang) rời khỏi địa phương không rõ đi đâu.
Dư luận cho là vợ chồng bà Trinh đã đi nước ngoài, một số nông dân bán cá tra nguyên liệu cho Tafishco liên tục đến đòi nợ, gửi đơn thư đến cơ quan chức năng.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An. (ảnh website công ty)
Trưa 8-2, trao đổi với PV báoPháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, xác nhận: Công an tỉnh có nhận một số đơn thư liên quan đến Tafishco và đang chỉ đạo phòng nghiệp vụ xác minh làm rõ. “Hiện đang trong quá trình xác minh nên chưa thể thông tin vụ việc tại công ty", Thiếu tướng Tư nói.
Ông Phạm Sơn, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang, cho biết: “UBND tỉnh đang theo dõi, hiện công ty này vẫn đang hoạt động”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về dư luận là vợ chồng bà Trinh đã ra nước ngoài, ông Sơn cho rằng thông tin này chưa được kiểm chứng. “Doanh nghiệp nào sản xuất kinh doanh mà không nợ. Hiện tỉnh vẫn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tỉnh đang theo dõi Tafishco và sẽ thông tin cho báo chí sau", ông Sơn nói.
Theo tìm hiểu của Pháp luật TP.HCM, Tafishco là doanh nghiệp chế biến phụ phẩm thủy sản (bột cá, mỡ cá). Đến đầu năm 2001, công ty đầu tư vào nuôi trồng chế biến thủy sản xuất khẩu với việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh An Giang, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
Từ tháng 8-2014, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép và chỉ định, Agribank Chi nhánh An Giang đã cho Tafishco vay hàng trăm tỉ đồng để triển khai chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh cá tra với một số hộ nông dân và xây dựng vùng nuôi riêng...
Hiện Agribank đang ráo riết để thu hồi nợ từ Tafishco. Doanh nghiệp là một trong số ít đơn vị thủy sản được vay vốn thực hiện thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra.